Hai sản phẩm của sinh viên thắng giải công nghệ sau thu hoạch
TP HCM - Cuộc thi công nghệ chế biến sau thu hoạch 2024 trao hai giải nhất cho sản phẩm Trà nở hoa nghệ thuật từ hoa súng và than hoạt tính bảo quản dưa lưới của sinh viên.
Cuộc thi do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ phối hợp trường Đại học Công thương TP HCM tổ chức sáng 23/11. Vượt qua hàng chục đề tài, sản phẩm trà nở hoa nghệ thuật từ hoa súng xanh của nhóm 5 sinh viên trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) giành giải nhất bảng công nghệ chế biến sau thu hoạch.
Theo nhóm nghiên cứu, trà nở hoa nghệ thuật là một dạng trà thảo mộc dành được sự quan tâm của nhiều người yêu thích sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên gần đây. Điểm đặc biệt của trà này là hiệu ứng những bông hoa sẽ nở rộ bên trong ấm khi pha trà.
Ban tổ chức trao giải nhất cuộc thi công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024 cho hai nhóm tác giả Ảnh: BTC
Nhóm nhận thấy, hoa súng xanh có nhiều dược chất tốt cho sức khỏe và đáp ứng các yêu cầu sản xuất trà nở hoa nghệ thuật. Sau quá trình khảo sát, nhóm thu mua hoa từ một hợp tác xã tại Đà Nẵng. Hoa súng xanh được kết hợp cùng hoa hồng và hoa nhài để làm trà thông qua hai quy trình sấy. Ở lần sấy đầu tiên, nhóm chọn độ ẩm phù hợp để cánh hoa súng xanh có độ dẻo vừa phải và không bị dập. Sau đó hoa súng xanh được phối trộn các nguyên liệu khác, ép khuôn và sấy lần hai đảm bảo viên trà được nén chắc. Khi pha với nước, cánh hoa sẽ ngậm nước và bung nở từ từ nhưng vẫn giữ được hình thái và không bị vỡ. Trong quá trình thử nghiệm, tỷ lệ nở hoa trong bình được nhóm xác định gần như 100%. Trà có thể bảo quản trong khoảng 3 - 6 tháng.
PGS.TS Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng khoa công nghệ thực phẩm, trường Đại học Công thương TP HCM (thành viên Hội đồng giám khảo), đánh giá sản phẩm của nhóm có tính sáng tạo cao. Các sản phẩm trà trước đây chủ yếu từ cây sen, còn nhóm lại hướng đến cây súng. Đây là loài thực vật có nhiều dược liệu tốt cho sức khỏe. Nhóm đã phát triển một sản phẩm trà vừa có tác dụng hỗ trợ sức khỏe vừa có yếu tố nghệ thuật nở hoa từ từ trong ấm trà giúp người thưởng thức có thêm trải nghiệm thú vị khi sử dụng.
Trà từ hoa súng xanh của nhóm sinh viên Đại học Duy Tân. Ảnh: NVCC
Ở bảng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nghiên cứu bảo quản dưa lưới bằng than hoạt tính của Nguyễn Hoàng Phúc, sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM giành giải nhất.
Than hoạt tính được tạo ra bởi cơ chế kết hợp than sinh học và Kali permanganat (KMnO4). Sản phẩm có khả năng hấp thụ khí ethylen được sinh ra khi quá trình chín trái dưa lưới. Khi đưa một lượng than hoạt tính vào túi đựng trà, cho vào thùng chứa bốn quả dưa lưới sẽ kéo dài quá trình bảo quản. So với thùng chứa dưa lưới không qua xử lý chỉ bảo quản khoảng 10 ngày, thùng có than hoạt tính có thể nâng thời gian bảo quản lên gần 13 ngày. "Than hoạt tính ngoài tăng thời gian bảo quản còn giúp duy trì chất lượng trái tốt nhất. Thùng chứa dưa lưới nếu không bảo quản sau 10 ngày sẽ có dấu hiệu hư hỏng", Phúc nói.
Ngoài hai giải nhất, Ban tổ chức trao hai giải nhì, hai giải ba và 10 giải khuyến khích.
Thạc sĩ Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Thành đoàn TP HCM, cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông nghiệp cao nhất thế giới, tuy nhiên, các sản phẩm chủ yếu xuất thô. Do vậy rất cần các nghiên cứu về công nghệ chế biến sau thu hoạch giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. "Những cuộc thi sẽ giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng đam mê, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, thành lập những doanh nghiệp tạo ra giá trị cho ngành nông nghiệp trong tương lai", ông Thành nói.
Cuộc thi công nghệ chế biến sau thu hoạch là sân chơi thường niên dành cho sinh viên và các bạn trẻ đam mê nghiên cứu sản phẩm lĩnh vực thực phẩm. Năm nay cuộc thi thu hút 60 sản phẩm của hơn 200 thí sinh đến từ 30 trường học, đơn vị tại TP HCM và một số địa phương tham gia. Cuộc thi nhằm giới thiệu, triển lãm các công trình nghiên cứu, sản phẩm về công nghệ chế biến lương thực thực phẩm và công nghệ bảo quản sau thu hoạch mang tính sáng tạo, có khả năng áp dụng vào thực tiễn.
Nguồn: vnexpress.net
- Hố trọng lực kỳ lạ giữa Ấn Độ Dương (26/12/2024)
- Mạng lưới camera robot hoạt động trên cao 26.000 m (25/12/2024)
- Hồi sinh hạt lúa mạch từ xác tàu 145 năm để làm rượu (25/12/2024)
- Tên lửa nghiệp dư của sinh viên Mỹ đạt độ cao kỷ lục (25/12/2024)
- 'Cây tử thần' nguy hiểm nhất thế giới (24/12/2024)
- Sửa luật về quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường kinh doanh lành mạnh (24/12/2024)
- Sẽ có bản đồ 37 nghìn tỷ tế bào trong cơ thể người (24/12/2024)
- Cơ sở chất thải hạt nhân độc hại nhất ở Mỹ (23/12/2024)
- Starship đến bệ phóng sẵn sàng chuyến thử nghiệm thứ sáu (23/12/2024)
- TP HCM sẽ thử nghiệm phương tiện bay không người lái 100 km/h (23/12/2024)