Hố trọng lực kỳ lạ giữa Ấn Độ Dương
Hố trọng lực ở Ấn Độ Dương là khu vực khối lượng Trái Đất giảm đi, dẫn tới lực hấp dẫn yếu và mực nước biển thấp hơn mức trung bình khiến các nhà khoa học bối rối.
Hố trọng lực ở Ấn Độ Dương (khu vực màu xanh dương). Ảnh: Advanced Science News
Hố trọng lực ở Ấn Độ Dương đánh dấu nơi trường hấp dẫn của Trái Đất lõm sâu nhất. Đó là vùng trũng hình tròn giữa đại dương với lực hấp dẫn yếu đến mức mực nước biển thấp hơn 106 m so với các nơi khác trên Trái Đất. Được phát hiện vào năm 1948, nguồn gốc của hố trọng lực khổng lồ có tên geoid này vẫn là một bí ẩn cho tới gần đây, theo Live Science.
Hố này trải rộng 3,1 triệu km2, và cách Ấn Độ 1.200 km về phía tây nam. Có nhiều giả thuyết khác nhau nhằm giải thích sự tồn tại của nó từ khi các nhà địa vật lý lần đầu tiên phát hiện dấu vết, nhưng câu trả lời chỉ sáng tỏ vào năm 2023 với một nghiên cứu công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters. Các nhà nghiên cứu sử dụng 19 mô hình máy tính để mô phỏng chuyển động của lớp phủ và mảng kiến tạo Trái Đất trong 140 triệu năm qua, sau đó kiểm tra những tình huống dẫn tới hình thành geoid.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra hố trọng lực Ấn Độ Dương hình thành sau quá trình biến mất của đại dương cổ đại mang tên Tethys nằm giữa siêu lục địa Laurasia và Gondwana. Tethys nằm trên mảnh vỏ Trái Đất trượt xuống dưới mảng Á Âu trong thời kỳ tan vỡ của Gondwana cách đây 180 triệu năm. Khi điều này xảy ra, những mảnh vỡ phân tán chìm sâu xuống lớp phủ.
Khoảng 20 triệu năm trước, các mảnh vỡ nằm ở khu vực thấp nhất của lớp phủ, chúng thế chỗ vật chất mật độ cao có nguồn gốc từ "khối blob châu Phi", bong bóng magma tinh thể hóa rắn chắc, cao gấp 100 lần núi Everest và kẹt dưới châu Phi. Những cột magma mật độ thấp dâng lên thay thế vật chất đặc, thu nhỏ khối lượng chung của khu vực và làm suy yếu trọng lực của nó.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể xác nhận dự đoán từ mô hình bằng dữ liệu động đất nhằm xác minh sự tồn tại của cột magma mật độ thấp bên dưới hố. Trong khi đó, giới nghiên cứu nhận thấy magma của Trái Đất chứa đầy khối kỳ lạ, một số biến mất và xuất hiện ở nhiều nơi ngoài dự đoán.
Nguồn: vnexpress.net
- Mạng lưới camera robot hoạt động trên cao 26.000 m (25/12/2024)
- Hồi sinh hạt lúa mạch từ xác tàu 145 năm để làm rượu (25/12/2024)
- Tên lửa nghiệp dư của sinh viên Mỹ đạt độ cao kỷ lục (25/12/2024)
- 'Cây tử thần' nguy hiểm nhất thế giới (24/12/2024)
- Sửa luật về quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường kinh doanh lành mạnh (24/12/2024)
- Sẽ có bản đồ 37 nghìn tỷ tế bào trong cơ thể người (24/12/2024)
- Cơ sở chất thải hạt nhân độc hại nhất ở Mỹ (23/12/2024)
- Starship đến bệ phóng sẵn sàng chuyến thử nghiệm thứ sáu (23/12/2024)
- TP HCM sẽ thử nghiệm phương tiện bay không người lái 100 km/h (23/12/2024)
- Pin kim cương có thể tồn tại hàng nghìn năm (19/12/2024)