Sửa luật về quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho biết sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp điều ước quốc tế Việt Nam tham gia, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Chiều 22/11, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Ông cho biết trong quá trình mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều điều ước quốc tế liên quan tới hoạt động tiêu chuẩn chất lượng như Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong Thương mại (WTO/TBT), Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR).
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với Liên minh châu Âu; Hàn Quốc; Liên minh kinh tế Á-Âu; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.
Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã đưa ra các nguyên tắc chung về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, các quy định này ở mức cơ bản, chỉ phù hợp tại thời điểm năm 2007. Khi đó, Việt Nam mới gia nhập WTO và quy mô hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất quốc tế chưa sâu rộng như hiện nay.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng Đạt cho rằng, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật không còn hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế theo các FTA thế hệ mới với cam kết mở hơn. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chưa quy định đầy đủ về nghĩa vụ minh bạch hóa của Việt Nam cũng như thẩm quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ thông báo, hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Tại lần sửa đổi này, Chính phủ hướng đến tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Đây sẽ là khung pháp lý quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Bộ trưởng cho biết dự luật thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hóa; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn. Chính phủ cũng xây dựng nhiều chính sách hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố TCVN, ban hành QCVN, QCĐP; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết tán thành với việc sửa đổi các quy định về đánh giá sự phù hợp để đáp ứng yêu cầu minh bạch hóa trong thực thi các Hiệp định FTA. Ủy ban yêu cầu dự thảo Luật cần bổ sung quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức đánh giá sự phù hợp để bảo đảm tính cạnh tranh, khách quan và hiệu quả của hoạt động này, đặc biệt là hoạt động chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Ông Huy cũng nêu việc bổ sung quy định về minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại còn chung chung, chưa cụ thể được trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Do vậy, Thường trực Uỷ ban đề nghị cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn luật về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong minh bạch hóa, hoạt động phải thực hiện và điều kiện để bảo đảm minh bạch hóa.
Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật này vào ngày 28/11 và dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm 2025.
Nguồn: vnexpress.net
- Sẽ có bản đồ 37 nghìn tỷ tế bào trong cơ thể người (24/12/2024)
- Cơ sở chất thải hạt nhân độc hại nhất ở Mỹ (23/12/2024)
- Starship đến bệ phóng sẵn sàng chuyến thử nghiệm thứ sáu (23/12/2024)
- TP HCM sẽ thử nghiệm phương tiện bay không người lái 100 km/h (23/12/2024)
- Pin kim cương có thể tồn tại hàng nghìn năm (19/12/2024)
- Máy tắm hoàn toàn tự động cho con người (19/12/2024)
- Trung Quốc đạt bước đột phá về vật liệu "tàng hình" (19/12/2024)
- Siêu turbine gió kép 16 MW đi vào hoạt động (18/12/2024)
- Việt Nam lần đầu thí điểm công nghệ xử lý rác không phát thải (18/12/2024)
- Sinh viên làm máy tách vỏ hạt sen (18/12/2024)