Phương pháp xét nghiệm máu mới giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy

Nồng độ tăng cao của một số loại protein trong máu (gọi là protease) được xem là dấu ấn sinh học của ung thư biểu mô tuyến tụy (PDAC). Nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương pháp xét nghiệm bằng cảm biến nano, gọi là PAC-MANN, có thể phát sáng khi phản ứng với các protein này. Trong các thử nghiệm trên 350 mẫu bệnh phẩm, PAC-MANN đã xác định được 73% trường hợp PDAC ở tất cả các giai đoạn. Ngoài ra, xét nghiệm này còn loại trừ được 98% bệnh nhân không mắc ung thư và phân biệt chính xác 100% bệnh nhân có bệnh lý tuyến tụy khác nhưng không phải ung thư. Khi được kết hợp với xét nghiệm CA 19-9, vốn là dấu ấn sinh học tốt nhất hiện nay trong chẩn đoán ung thư tuyến tụy, PAC-MANN cho thấy độ nhạy 85% đối với PDAC giai đoạn 1 và độ chính xác lên đến 96% trong việc loại trừ người khỏe mạnh. Với độ nhạy cao và phương pháp xét nghiệm đơn giản, PAC-MANN trở thành ứng viên tiềm năng cho việc sàng lọc sớm ung thư tuyến tụy.
Jose Montoya Mira - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, phương pháp xét nghiệm của nhóm nghiên cứu có thể áp dụng cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tụy, đây là nhóm đối tượng mà các phương pháp hiện tại chưa nhắm đến. Phương pháp mới này giúp việc sàng lọc trở nên hiệu quả và ít xâm lấn hơn so với phương pháp siêu âm nội soi hoặc xét nghiệm sinh thiết lỏng vốn cần một lượng lớn máu, nhờ đó có thể thực hiện thường xuyên hơn để phát hiện sớm bệnh. Các phương pháp tiềm năng khác để chẩn đoán sớm ung thư tuyến tụy cũng đang được nghiên cứu, bao gồm việc phát hiện dấu ấn sinh học trong nước tiểu hoặc phân tích hệ vi khuẩn trên lưỡi bệnh nhân. Phương pháp xét nghiệm máu mới đầy hứa hẹn này có thể mở ra một phương pháp hiệu quả hơn trong việc phát hiện sớm ung thư tuyến tụy, từ đó tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân. Jose Montoya Mira chia sẻ thêm, điểm khác biệt lớn nhất của xét nghiệm này là chi phí thấp: chỉ cần 8 microlit máu và 45 phút để thực hiện, với chi phí chưa đến một xu cho mỗi mẫu. Điều này sẽ giúp xét nghiệm dễ dàng được triển khai tại các vùng nông thôn và khu vực thiếu điều kiện y tế, nơi các xét nghiệm truyền thống không thể hoặc khó có thể thực hiện được.
Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam
- Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel giành giải Nhất và Nhì tại Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 25 (19/06/2025)
- Công nghệ lớp phủ giúp đánh bật 100% vi khuẩn (18/06/2025)
- Nghiên cứu tác dụng giảm đau, chống viêm của cây pác lừ (18/06/2025)
- Hoàn thiện quy trình nhân nuôi và tách chiết alkaloid từ sinh khối rễ cây dừa cạn (Catharanthus roseus) (18/06/2025)
- Trạm thu phát gốc 5G đạt giải Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội (17/06/2025)
- Điện cực tự phục hồi kéo giảm chi phí sản xuất hydro xanh (17/06/2025)
- In 3D mô bên trong cơ thể bằng sóng siêu âm (17/06/2025)
- Khả năng giảm đau của chiết xuất lá nọc xoài (16/06/2025)
- Xử lý phụ phẩm chuối bằng vi khuẩn (16/06/2025)
- Tạo vật liệu mới thay thế PFAS an toàn (16/06/2025)