Nghiên cứu tác dụng giảm đau, chống viêm của cây pác lừ
Cao chiết từ cây pác lừ được chứng minh có tác dụng giảm đau, chống viêm rõ rệt qua thực nghiệm, mở ra triển vọng phát triển thành dược liệu hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm khớp, gout hay thoái hóa khớp.
Cây pác lừ, còn gọi là cây râm Trung Quốc (Ligustrum sinense Lour.), thuộc họ Nhài (Oleaceae), là loài thực vật mọc hoang phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, và cũng hiện diện ở một số vùng Trung và Nam bộ. Theo kinh nghiệm dân gian, cây được dùng để trị nhiệt miệng, loét miệng, làm tăm xỉa răng...
Một số nghiên cứu trước đây đã phát hiện lá pác lừ chứa các hợp chất neolignan glycosides có tác dụng chống viêm, cùng với hoạt tính chống oxy hóa đáng chú ý. Tuy vậy, những nghiên cứu chuyên sâu về thành phần hóa học và dược lý của cây này vẫn còn hạn chế. Việc chứng minh tác dụng bằng thực nghiệm là bước cần thiết để phát triển pác lừ thành một nguồn dược liệu tiềm năng trong y học cổ truyền và hiện đại.
Nhóm tác giả đến từ các trường đại học Y Dược Hà Nội, Thái Nguyên, Phenikaa, Dược Hà Nội và Viện Dược liệu đã phối hợp thực hiện nghiên cứu đánh giá tác dụng giảm đau, chống viêm của cao chiết ethanol từ cây pác lừ trên thực nghiệm động vật.
Nguyên liệu là lá cây pác lừ được thu hái tại Thái Nguyên, rửa sạch, sấy khô và xay nhỏ. Sau đó, mẫu được chiết hồi lưu bằng dung môi ethanol 70%, lọc và cô đặc thu được cao thô. Cao chiết này được sử dụng trong các mô hình gây đau và viêm trên chuột nhắt trắng.
Trong mô hình gây đau ngoại biên gây bằng acid acetic, nhóm nghiên cứu đếm số lần chuột có phản ứng đau (như duỗi chân, co bụng, cong đuôi) trong 30 phút sau khi tiêm. Kết quả cho thấy, ở liều 10,8 g/kg, cao giúp giảm rõ rệt số cơn đau, hiệu quả tương đương với aspirin liều 150 mg/kg – một thuốc giảm đau kinh điển trong y học hiện nay.

Cây pác lừ. Ảnh: Internet
Tiếp theo, nhóm tiến hành thử nghiệm với mô hình đau trung ương bằng tấm đĩa nóng (52–55°C). Kết quả cho thấy, ở thời điểm 30 phút sau khi uống cao, chuột có thời gian chịu nhiệt kéo dài khoảng 19 giây, so với 16 giây ở nhóm không điều trị. Tuy nhiên, hiệu quả này vẫn thấp hơn so với nhóm dùng codein phosphat 20 mg/kg (23 giây).
Trong mô hình gây viêm cấp tính bằng cách tiêm carrageenan vào bàn chân chuột, cả hai liều 1,8 g/kg và 5,4 g/kg cao pác lừ đều làm giảm rõ rệt mức độ phù nề tại các thời điểm 2h, 4h và 6h sau tiêm. Mức giảm phù đạt 44%, thấp hơn không đáng kể so với nhóm dùng aspirin liều 200 mg/kg (52%). Điều này cho thấy cao pác lừ có thể can thiệp vào giai đoạn sớm của phản ứng viêm, hạn chế tình trạng sưng lan rộng.
Ở mô hình gây viêm mạn bằng cách cấy sợi cotton dưới da chuột để tạo u hạt, cao pác lừ liều 3,6 g/kg và 10,8 g/kg giúp làm giảm khối lượng u hạt ướt và khô khoảng 31% so với nhóm đối chứng, tương đương với hiệu quả của thuốc chống viêm mạnh methyl prednisolon liều 10 mg/kg (29%).
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả bước đầu đã cung cấp bằng chứng khoa học cho việc sử dụng cây pác lừ trong dân gian để điều trị các bệnh như nhiệt miệng, loét miệng – vốn liên quan đến phản ứng viêm và đau. Đồng thời, các kết quả này cũng mở ra triển vọng ứng dụng cao chiết từ cây trong điều trị các bệnh viêm mạn tính như viêm khớp, gout, thoái hóa khớp...
Tuy nhiên, để có thể phát triển lá cây pác lừ thành thuốc dùng trong lâm sàng, cần thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn về cơ chế tác dụng, đánh giá hiệu quả trên từng bệnh cụ thể và kiểm nghiệm độ an toàn qua các thử nghiệm độc tính cấp và mạn.
Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Y dược lâm sàng 108, Số 3/2025
Nguồn: khoahocphattrien.vn
Các bài viết khác
- Hoàn thiện quy trình nhân nuôi và tách chiết alkaloid từ sinh khối rễ cây dừa cạn (Catharanthus roseus) (18/06/2025)
- Trạm thu phát gốc 5G đạt giải Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội (17/06/2025)
- Điện cực tự phục hồi kéo giảm chi phí sản xuất hydro xanh (17/06/2025)
- In 3D mô bên trong cơ thể bằng sóng siêu âm (17/06/2025)
- Khả năng giảm đau của chiết xuất lá nọc xoài (16/06/2025)
- Xử lý phụ phẩm chuối bằng vi khuẩn (16/06/2025)
- Tạo vật liệu mới thay thế PFAS an toàn (16/06/2025)
- Nhà máy điện nhiệt hạch - phân hạch đầu tiên trên thế giới (13/06/2025)
- Lò nhiệt hạch lớn nhất thế giới sử dụng AI để tăng hiệu quả (13/06/2025)
- Pin hạt nhân an toàn hàng chục năm không cần sạc (13/06/2025)