Khả năng giảm đau của chiết xuất lá nọc xoài
Tại Việt Nam, dù người dân đã dùng nọc xoài như cây thuốc từ lâu nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rõ ràng tác dụng giảm đau của loài cây này.
Đau là phản ứng sinh học quan trọng giúp cơ thể cảnh báo khi có tổn thương. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài hoặc không được kiểm soát đúng cách, nó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, nhiều loại thuốc giảm đau phổ biến như paracetamol, thuốc kháng viêm hay thuốc gây nghiện opioid thường đi kèm với nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Vì vậy, việc tìm kiếm những liệu pháp giảm đau an toàn, hiệu quả và có nguồn gốc tự nhiên đang được rất nhiều người quan tâm.
Một trong những loài cây được chú ý gần đây là cây nọc xoài (còn gọi là cỏ lá xoài hoặc cốc đồng), thuộc họ Cúc. Đây là loài cây quen thuộc trong y học dân gian với nhiều công dụng như giảm đau, hạ sốt, chống viêm, cầm máu và hỗ trợ điều trị các vết thương, gãy xương.
Tại Việt Nam, dù người dân đã dùng cây nọc xoài từ lâu nhưng vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rõ ràng tác dụng giảm đau của loài cây này.
Trước thực tế đó, các nhà khoa học tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã tiến hành nghiên cứu về khả năng giảm đau của chiết xuất lá nọc xoài.

Cây nọc xoài. Ảnh: Internet
Trong nghiên cứu, lá cây nọc xoài được xử lý sạch, sấy khô, và chiết xuất cao đặc bằng dung môi ethanol với các nồng độ khác nhau (45% và 70%).
Sau đó, tiến hành thử nghiệm chiết xuất cao đặc trên chuột nhắt trắng được gây đau quặn bụng với acid acetic và đặt vào hộp trong suốt để quan sát. Trong 30 phút sau tiêm, tiến hành đếm số lần chuột có biểu hiện đau như duỗi hai chân sau, cong đuôi hoặc co thắt bụng. Tổng số lần đau được ghi nhận và so sánh giữa nhóm chuột dùng cao chiết và nhóm đối chứng dùng thuốc diclofenac, từ đó tính ra tỷ lệ giảm đau.
Kết quả, cao chiết từ ethanol 45% giúp giảm đau rõ rệt hơn, từ 44-52%, trong khi cao chiết ethanol 70% giảm đau từ 45-47%. Nhóm nghiên cứu lý giải, chiết xuất 45% có thể chứa nhiều hoạt chất phù hợp giúp ức chế các chất gây viêm trong mô, từ đó làm giảm đau. Tuy nhiên, mức giảm đau này vẫn chưa vượt qua diclofenac, một loại thuốc giảm đau kháng viêm thông dụng, được sử dụng làm thuốc đối chứng trên chuột (giảm đau 74%).
Bên cạnh đó, nhóm còn tiến hành thử nghiệm trên mô hình đau trung ương bằng cách đặt chuột lên một tấm kim loại được làm nóng sẵn (khoảng 52–55°C) và đo thời gian phản ứng (thời gian chuột rút chân lại vì đau nóng).
Kết quả, cao chiết ethanol 70% giúp chuột chịu được nhiệt khoảng 24 giây ở 30 phút và khoảng 22 giây ở 90 phút, cao hơn so với cao chiết ethanol 45% với thời gian chịu nhiệt từ 18 giây giảm xuống còn 15 giây.
Theo nhóm nghiên cứu, điều này cho thấy chiết xuất nồng độ cao có thể chứa các hợp chất như alkaloid và flavonoid, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, giúp giảm cảm giác đau. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa thể so sánh với morphin – thuốc giảm đau mạnh đang được dùng trong y học, khi chuột chịu được nhiệt gần 50 giây sau 30 phút và vẫn duy trì trên 35 giây sau 90 phút.
Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, Số Đặc biệt – Hội nghị Khoa học sức khỏe Tháng 4/2025, cung cấp thêm bằng chứng khoa học về tác dụng giảm đau của cây nọc xoài. Nếu được phát triển đúng cách, chiết xuất từ lá nọc xoài có thể trở thành một giải pháp tự nhiên, an toàn, hỗ trợ kiểm soát cơn đau cho người bệnh trong tương lai.
Các bài viết khác
- Xử lý phụ phẩm chuối bằng vi khuẩn (16/06/2025)
- Tạo vật liệu mới thay thế PFAS an toàn (16/06/2025)
- Nhà máy điện nhiệt hạch - phân hạch đầu tiên trên thế giới (13/06/2025)
- Lò nhiệt hạch lớn nhất thế giới sử dụng AI để tăng hiệu quả (13/06/2025)
- Pin hạt nhân an toàn hàng chục năm không cần sạc (13/06/2025)
- Máy bay chở hàng siêu thanh tốc độ Mach 10 (12/06/2025)
- AI đang thay đổi cách trồng trọt ở Trung Quốc (12/06/2025)
- Việt Nam - Áo hợp tác phát triển công nghệ bán dẫn (12/06/2025)
- Biến máu người thành thuốc độc tiêu diệt muỗi (11/06/2025)
- Việt Nam đề nghị IAEA chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân (11/06/2025)