Dùng xe buýt triển lãm bảo vệ động vật hoang dã
Các cuộc triển lãm bảo vệ động vật hoang dã trên xe buýt tại Hà Nội sẽ được triển khai từ tháng 12/2024 sau 6 năm ấp ủ ý tưởng.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết tại hội thảo Giới thiệu Trung tâm thiên nhiên lưu động, chiều 27/11. Triển lãm thiên nhiên lưu động triển khai tại 54 điểm ở Hà Nội gồm các địa điểm trường học, trung tâm thương mại, phố đi bộ, công viên.
Dự kiến sẽ có ba chiếc xe buýt được hoán cải thành ba xe lưu động triển lãm. Xe thứ nhất với tên gọi "rừng xanh diệu kỳ" khi du khách thăm quan sẽ chiếu phim thực tế ảo VR đem lại trải nghiệm về thiên nhiên hùng vĩ với các bộ thuyết minh, tương tác bằng mẫu vật.
Xe thứ hai với tên gọi "rừng lặng" sẽ là bảo tàng của những điều còn sót lại và những điều đã biến mất mãi mãi. Đơn vị thực hiện kỳ vọng ở xe thứ hai này sẽ kích thích điểm chạm phẫn nộ qua việc tìm hiểu hậu quả của việc tiêu thụ động vật hoang dã về sức khỏe, pháp luật.
Mô phỏng xe bus triển lãm bảo vệ động vật hoang dã. Ảnh: SVW
Thứ ba là xe với tên "về nhà" sẽ giúp người xem hiểu trách nhiệm của cá nhân với cộng đồng thông qua bốn hành động "từ chối, lên tiếng, tẩy chay, thông báo vi phạm.
"Trung tâm sẽ không chỉ là triển lãm lướt qua bằng việc xem ảnh mà chúng tôi muốn kết nối mọi người cảm nhận như đang ở trong các cánh rừng, nhìn thấy động vật hoang dã và mình là một phần trong đó", ông Thái nói. Ông kỳ vọng từ những cảm nhận thực tế sẽ giúp người xem thấm thía nỗi đau khi mất đi động vật hoang dã.
Ngoài ba xe buýt, tại khu vực triển lãm sẽ có hệ thống sân khấu, trò chơi để giúp mọi người tương tác, trải nghiệm. Tại đây, du khách sẽ được phát thiết bị nghe để có thể cảm nhận ở mỗi chủ đề. Cùng với đó, đơn vị vận hành sẽ xây dựng hệ thống giải thưởng là các chuyến trải nghiệm miễn phí tại các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.
Cá thể Tê Tê được SVW cứu hộ tháng 11/2024. Ảnh: Đơn vị cứu hộ cung cấp
Ông Đoàn Hoài Nam, Cục phó Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng đây là ý tưởng mới được kỳ vọng sẽ lan tỏa rộng, đạt hiệu quả tuyên truyền, giáo dục cao.
Theo ông Nam, ở thành phố nhiều người muốn vào rừng nhưng cũng chưa có cơ hội. "Qua dự án này sẽ có nhiều người hơn hiểu và mong muốn đến với rừng để cảm nhận những điều tuyệt vời mà thiên nhiên đem lại", ông nói thêm.
Việt Nam là một trong 14 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, là mái nhà của 10.000 loài động vật khác nhau gồm hơn 310 loài thú, 469 loài bò sát, 916 loài chim, 7.750 loài côn trùng và hơn 20.000 loài thực vật.
Tuy nhiên, theo SVW có 29 loài được cho là đã hoặc có thể biến mất ngoài tự nhiên. Trong đó Hổ Đông dương biến mất năm 1999, Báo hoa mai năm 2008, Chó rừng, Báo gấm năm 2004, Sao La năm 2015, Hươu vàng năm 1980, Tê giác Java năm 2010, Gà lôi lam mào trắng năm 2000, Rùa Trung bộ năm 2013.
Nguồn: vnexpress.net
- Bình Định phát triển nhân lực bán dẫn để thu hút đầu tư quốc tế (07/01/2025)
- Hệ thống rải cáp quang ở vực thẳm sâu nhất thế giới (07/01/2025)
- Protein từ men vi sinh thắng cúp vàng tài năng khởi nghiệp (27/12/2024)
- Neuralink thử nghiệm điều khiển cánh tay robot bằng ý nghĩ (27/12/2024)
- 5 đội thi vào chung kết Tài năng Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (27/12/2024)
- NASA tài trợ 11,5 triệu USD nghiên cứu máy bay tương lai (26/12/2024)
- Hai sản phẩm của sinh viên thắng giải công nghệ sau thu hoạch (26/12/2024)
- Hố trọng lực kỳ lạ giữa Ấn Độ Dương (26/12/2024)
- Mạng lưới camera robot hoạt động trên cao 26.000 m (25/12/2024)
- Hồi sinh hạt lúa mạch từ xác tàu 145 năm để làm rượu (25/12/2024)