Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Quỹ đầu tư mạo hiểm: giải pháp vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo 4:21 PM,12/12/2016

Cùng với phong trào khởi nghiệp ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, Quỹ đầu tư mạo hiểm (QĐTMH) đã được nhắc đến nhiều hơn, bởi đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng về vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bài viết phân tích về vai trò của QĐTMH và sự cần thiết khơi thông dòng vốn này.

- Khái quát về QĐTMH

Để làm “cầu nối” giữa bên cần vốn với bên có vốn nhàn rỗi, nhiều loại hình định chế tài chính trung gian đã ra đời. Một trong số đó là quỹ đầu tư. Là một dạng doanh nghiệp đặc biệt, quỹ đầu tư không dùng vốn để mua máy móc thiết bị phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh, mà dùng vốn để đầu tư trực tiếp (góp cổ phần, mua cổ phiếu phát hành lần đầu với tư cách là cổ đông sáng lập); hoặc gián tiếp (kinh doanh chứng khoán nhằm hưởng chênh lệch giá hay cổ tức từ các công ty hoặc lợi tức trái phiếu).

Hiện có rất nhiều loại hình quỹ đầu tư như: quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư hỗn hợp… và đặc biệt là QĐTMH. Theo nghĩa rộng thì vốn mạo hiểm là nguồn tài chính cung cấp cho các công ty tư nhân dưới hình thức vốn cổ phần hoặc các khoản đầu tư gần giống như vốn cổ phần có thời hạn trung bình 3-5 năm. Khác với đầu tư thông thường, đầu tư mạo hiểm nhằm kiếm được khoản thu nhập không tưởng, gấp 20-30 lần số vốn bỏ ra. Để đảm bảo sự thành công trong các dự án của mình, các chuyên gia trong QĐTMH còn tư vấn ở tầm chiến lược cho các công ty nhận vốn khi họ bước sang giai đoạn tăng trưởng kế tiếp và thậm chí chuẩn bị sẵn sàng để công ty được chuyển giao cho các cổ đông khác. Theo nghĩa hẹp, vốn mạo hiểm là các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân trung hạn vào các công ty chưa trưởng thành. Nói cách khác, công ty nhận vốn đầu tư đang trong gian đoạn đầu phát triển sản phẩm hoặc bắt đầu mở rộng cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đặc điểm nổi bật của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ngày nay là khả năng rút ngắn lịch sử phát triển và có tốc độ phát triển cực nhanh nhưng mức độ rủi ro cao. Những nhà đầu tư thông thường sẽ bỏ qua những thương vụ này nhưng QĐTMH sẵn sàng chấp nhận rủi ro nếu tiềm năng kiếm lời là tương xứng.

Như vậy, QĐTMH là hình thức huy động vốn để đầu tư mạo hiểm vào các công ty mới khởi sự, có tiềm năng phát triển cao hoặc các công ty chưa được niêm yết và cổ phiếu chưa được mua bán trên các sàn giao dịch chứng khoán. Không chỉ đầu tư tiền, QĐTMH sẽ song hành cùng với các công ty được nhận vốn trong quản lý chiến lược và tổ chức vận hành.

- Xu thế phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

Số lượng các công ty khởi nghiệp trên thế giới đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Các thành phố lớn, từ Berlin, London tới Singapore… đã trở thành đế chế của các công ty khởi nghiệp. Những thành phố này có hàng trăm trường học khởi nghiệp cùng hàng nghìn không gian làm việc chung. Nhiều quốc gia đã coi doanh nghiệp khởi nghiệp là chìa khóa dể dẫn tới sự phát triển vượt bậc của kinh tế. Israel được mệnh danh là quốc gia của các công ty khởi nghiệp với khoảng 375 công ty khởi nghiệp/triệu dân (Mỹ chỉ có 190 công ty/triệu dân).

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung này. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 54.501 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 20151 . Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới ở loại hình công ty cổ phần là 9.026. Đây là loại hình mà các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thường lựa chọn khi thành lập. Với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh như vậy cần có một thị trường vốn đủ lớn để duy trì. Khó khăn về tài chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc khoảng 12.203 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 6 tháng đầu năm là 12.200 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể là 24.423 doanh nghiệp. Như vậy, các doanh nghiệp phá sản, tạm ngừng đăng ký kinh doanh, chờ giải thể có số lượng nhiều hơn một nửa so với số doanh nghiệp được thành lập. Điều này cho thấy thị trường đang diễn ra nhiều biến động.

Bên cạnh những thế mạnh như giàu ý tưởng sáng tạo, nhiệt huyết…, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Tâm lý muốn tự mình làm chủ đã khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có xu hướng gia đình hóa các công ty của mình. Điều đó vô tình làm hạn chế tầm nhìn chiến lược cũng như đổi mới sản phẩm, khiến các công ty thực sự gặp khó khăn trong giai đoạn phát triển thứ hai. Trên thế giới, một doanh nghiệp khởi nghiệp lý tưởng thường bao gồm 4 sáng lập viên chuyên trách cho các mảng quan trọng: sản phẩm, marketing, quản lý thì ở Việt Nam việc quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm, quảng bá thường được thực hiện bởi một sáng lập viên duy nhất.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cũng chưa đầu tư nghiên cứu thị trường, phân khúc khách hàng đúng mức, nếu có thì các nghiên cứu này còn rất cảm tính, chủ quan. Bên cạnh đó, hầu hết đều gặp vấn đề về thuyết trình sản phẩm - công việc quan trọng bậc nhất mà các doanh nghiệp khởi nghiệp phải làm nếu muốn nhận được vốn đầu tư. Đa số các giám đốc của doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam xuất thân từ “dân kỹ thuật” nên khi trình bày ý tưởng của mình, họ quá tập trung giới thiệu các yếu tố kỹ thuật mà quên đi những giá trị khác. Chính vì vậy, đã có rất nhiều sản phẩm tốt nhưng không nhận được sự đầu tư đúng mức.

Như phân tích ở trên, có thể thấy, các nhu cầu quan trọng hiện tại của một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là được đảm bảo về vốn để phát triển sản phẩm; có sự cố vấn về việc nghiên cứu phát triển sản phẩm, marketing và quản trị công ty. QĐTMH rất phù hợp với các yêu cầu này. Ngoài ra, QĐTMH còn là cái nôi nuôi dưỡng các tài năng trẻ; giúp kết nối phần đông các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang ở giai đoạn non nớt (seeding fund) với vườn ươm và tổ chức thúc đẩy doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc phát triển mạng lưới QĐTMH để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển là hết sức cần thiết.

- Thực trạng QĐTMH tại Việt Nam và một số đề xuất

Hiện tại, số quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam là khoảng 57, với phân loại theo hình thức đầu tư như sau: đầu tư chủ yếu vào cổ phần tư nhân: 3 quỹ; đầu tư công nghệ cao và đầu tư mạo hiểm: 4 quỹ (Capital, IDGVV- IDG Venture VietNam, VinaCapital, FPT Venture); đầu tư vào bất động sản: 7 quỹ; đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, các công ty cổ phần và các khoản đầu tư cơ hội: 43 quỹ. Như vậy, mặc dù khá nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam nhưng các quỹ mang tính chất đầu tư vốn mạo hiểm thì chiếm tỷ trọng rất thấp (4/57 quỹ). Cần phải thừa nhận rằng, hầu hết nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở nước ta chưa thực sự hoạt động với đầy đủ chức năng vốn có của nó. Khó khăn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung, trong thời gian tới, để khơi thông dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta cần phải chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tạo môi trường đầu tư thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển hình thức đầu tư vốn mạo hiểm

- Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo ra một hành lang pháp lý cho mọi quan hệ kinh tế đều vận động theo xu hướng thị trường. Hệ thống pháp luật như vậy phải hướng tới mục tiêu: 1) Bảo đảm tính thực thi của hệ thống nhằm bảo vệ tài sản và lợi ích của nhà đầu tư; 2) Đảm bảo tính rõ ràng, đồng bộ, nhất quán trong hệ thống nhằm hạn chế rủi ro do sự chồng chéo giữa các quy định; 3) Phù hợp với hệ thống pháp luật quốc tế nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước có thể nhanh chóng hòa nhập vào môi trường kinh doanh toàn cầu và nhà đầu tư nước ngoài có thể tin tưởng hơn môi trường đầu tư tại Việt Nam; 4) Từng bước hợp nhất các luật điều chỉnh hoạt động kinh tế nhằm tạo ra môi trường đầu tư bình đẳng cho mọi chủ thể trong nền kinh tế.

- Phát triển thị trường dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực tài chính, quản lý, công nghệ, luật pháp... Tại các nước có nền công nghiệp đầu tư vốn mạo hiểm phát triển, quá trình gia tăng giá trị tài sản của nhà đầu tư mạo hiểm trong các đối tác được tài trợ không thể thiếu vai trò của các nhà tư vấn. Hơn nữa hoạt động tư vấn phát triển sẽ tạo ra mạng lưới thông tin hiệu quả giúp các nhà đầu tư hạn chế được rủi ro và có thể dự báo hợp lý về xu hướng phát triển trong các lĩnh vực công nghệ mới.

- Thành lập hiệp hội các nhà đầu tư vốn mạo hiểm Việt Nam. Hiệp hội là nơi kết nối và tập trung các luồng thông tin có giá trị liên quan đến hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm. Hơn nữa, hiệp hội còn mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư mạo hiểm tham gia hợp tác kinh doanh trong cùng một thương vụ nhằm chia sẻ rủi ro. Đây cũng là một xu thế phổ biến trên thế giới hiện nay.

- Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, chuyên nghiệp của thị trường chứng khoán, tạo nên khả năng thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ.

- Chính phủ thực hiện các chính sách minh bạch về tài chính nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư như: hoàn thiện hệ thống kế toán phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng mạng lưới thông tin hiệu quả có sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức công, các hiệp hội, các định chế tài chính, doanh nghiệp…

Hai là, xây dựng nền tảng pháp lý cho hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm

 Trước mắt Chính phủ cần có những quy định cụ thể hướng dẫn hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm như: phạm vi đầu tư mạo hiểm, các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, cơ cấu tài sản đầu tư của các quỹ, quy chế thành lập và hoạt động của QĐTMH. Trong quá trình thực hiện các quy định trên, Chính phủ cần tổ chức riêng một ban quản lý hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm. Khi hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm dần dần phát triển, Nhà nước cần tiến tới ban hành một đạo luật riêng cho hoạt động này. Theo kinh nghiệm của các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, thì hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm được chi phối bởi hai đạo luật riêng cho QĐTMH nội địa và QĐTMH nước ngoài. Điều này cũng hợp lý trong giai đoạn chuyển đổi của các nền kinh tế đang phát triển nhằm mục đích kiểm soát và thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước.

Ba là, thành lập các QĐTMH thuộc sở hữu của Nhà nước

 Các quỹ này thường được thành lập trong giai đoạn sơ khai của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm, có thể hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau như: các quỹ thuộc trung ương quản lý, các quỹ địa phương, các quỹ trực thuộc các trường đại học… Mục đích của các quỹ là nhằm hỗ trợ cho các dự án ươm tạo và đổi mới công nghệ trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề và ở nhiều địa phương khác nhau, do đó tạo nhiều cơ hội cho sáng tạo và đổi mới trong xã hội.

Tuy nhiên hoạt động của các quỹ theo hình thức này chú ý tới một số vấn đề như: (i) Gia tăng chi phí vì các nhà quản lý quỹ thường không theo đuổi mục đích của quỹ mà theo đuổi các mục đích cá nhân; (ii) Không kiểm soát được tình trạng tham nhũng (nếu có) xảy ra khi doanh nghiệp đối tác của quỹ bị thua lỗ; (iii) Hạn chế về kinh nghiệm quản lý quỹ của phía Việt Nam dẫn đến sự kém hiệu quả của các hợp đồng tài trợ; (iv) Chịu áp lực về việc lựa chọn các dự án theo chỉ định mà không theo các tín hiệu thị trường; (v) Các quỹ tại các tập đoàn kinh tế  thường bị chảy máu chất xám (đội ngũ nhân viên quản lý quỹ) sau một thời gian hoạt động vì cơ chế tiền lương không thỏa đáng; (vi) Nguồn tài chính của ngân sách nhà nước là có giới hạn, không thể đáp ứng hết các nhu cầu của vốn đầu tư mạo hiểm trong hệ thống đổi mới của quốc gia. Do đó để hạn chế tình trạng kém hiệu quả, Chính phủ cần thuê các chuyên gia quản lý quỹ có nhiều kinh nghiệm và ràng buộc trách nhiệm như: cơ chế tiền lương và lợi nhuận của quỹ khi kết thúc doanh vụ. Một giải pháp tốt nhất là Nhà nước nên góp vốn liên kết với các tổ chức tài chính có uy tín nhằm tiếp thu kinh nghiệm quản lý quỹ cho hoạt động đầu tư mạo hiểm của quốc gia. Nhà nước chỉ nên góp vốn cổ phần vào các quỹ này với mục đích tạo dựng niềm tin và khuyến khích đầu tư mạo hiểm vào quá trình đổi mới, không nên can thiệp sâu vào hoạt động cụ thể của các quỹ liên doanh.

Bốn là, thiết kế chương trình tín dụng hỗ trợ hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm

 Việc khuyến khích phát triển các kênh tín dụng hỗ trợ cho hoạt động đầu tư mạo hiểm nhằm gia tăng lượng cung vốn đầu tư mạo hiểm trên thị trường. Khi thực hiện chính sách này, các ngân hàng đầu tư phát triển, quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển, quỹ hỗ trợ KH&CN… sẽ cho các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm (không phân biệt hình thức sở hữu) vay với các mức lãi suất ưu đãi và với cơ chế bảo đảm tiền vay linh hoạt.

Năm là, thực hiện chính sách thuế ưu đãi cho hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm

 Hoạt động đầu tư mạo hiểm vào quá trình đổi mới công nghệ thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và tỷ lệ thành công ở mức thấp. Chính vì vậy, Chính phủ cần khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư vốn mạo hiểm thông qua các chính sách ưu đãi về thuế. Cụ thể là cần có chính sách miễn giảm thuế đối với phần thu nhập phát sinh khi nhà đầu tư mạo hiểm kết thúc doanh vụ, kể cả các lợi tức phát sinh trong quá trình hoạt động. Chính sách thuế cũng cần ưu đãi đối với phần thu nhập phát sinh của các nhà đầu tư góp vốn vào quỹ, nhằm thu hút các nguồn vốn từ các cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức vào hoạt động đầu tư mạo hiểm. Tất cả các chính sách ưu đãi thuế phải dựa vào luật đầu tư mạo hiểm hoặc dựa vào danh mục các ngành nghề Nhà nước khuyến khích đầu tư mạo hiểm trong các lĩnh vực công nghệ được ưu tiên đầu tư.

Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam, ngày 7/12/2016.

Send Print  Back
The news brought
Ngân hàng tư nhân sử dụng phân tích và tốc độ để thu hút những người giàu có 12/9/2016
Ngân hàng Indonesia triển khai các giải pháp công nghệ để cải thiện dịch vụ khách hàng 12/9/2016
Mô hình kinh doanh TRIEX 12/9/2016
Xu hướng công nghệ tỷ đô bắt đầu vào năm 2017-Tiền ảo 11/1/2016
Chất xúc tác chi phí thấp để sản xuất khí tổng hợp 8/1/2016
Hơn 30% số địa bàn đạt kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên 2/6/2014
GDP tăng 5,42%, xuất siêu 863 triệu USD 12/24/2013
Tăng trưởng GDP đạt 5,42% 12/24/2013
Ký kết triển khai hệ thống quản lý quan hệ khách hàng CRM (Customer Relation Management) 12/24/2013
Tăng cường kết nối ngân hàng với doanh nghiệp 12/23/2013
WB nâng quỹ hỗ trợ những người nghèo nhất thế giới lên 52 tỷ USD 12/19/2013
Chi 163.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển năm 2014 12/19/2013
Tài trợ 2.000 tỷ đồng cho dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 12/18/2013
Vượt xa dự báo, xuất siêu tháng 11 đạt hơn một tỷ USD 12/16/2013
Ngân hàng đầu tiên triển khai hệ thống quản lý khách hàng do Việt Nam xây dựng 12/12/2013













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 120328719 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn