Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Khoa học và công nghệ tham gia giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của cuộc sống 11:01 AM,10/18/2016
Các chương trình khoa học và công nghệ (KH và CN) trọng điểm đã thu được những thành tựu đáng kể, không chỉ ở số công trình công bố quốc tế mà còn ở những đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó cho thấy khoa học và công nghệ đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ để nâng cao hiệu quả hơn nữa các chương trình KH và CN trọng điểm.

Nhiều kết quả nổi bật
TS Nguyễn Thiện Thành - Giám đốc Văn phòng các chương trình KH và CN trọng điểm cấp nhà nước cho biết, giai đoạn 2011-2015 có 15 chương trình được triển khai, với 10 chương trình thuộc lĩnh vực KH và CN (chương trình KC), năm chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (chương trình KX). Sau năm năm, các chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước đã tạo ra gần 100 quy trình công nghệ được chuyển giao trong lĩnh vực y, dược; 23 giống cây mới, 25 chủng vi sinh, giống vật nuôi có ưu thế vượt trội so với các chủng giống cũ; 208 công nghệ mới, trong đó có 55 công nghệ đã được hoàn thiện và chuyển giao... Giai đoạn 2011-2015, các chương trình tạo ra 630 quy trình sản xuất mới với 157 quy trình hoàn thiện; 161 mẫu máy móc, thiết bị mới được tạo ra với 65 mẫu máy đã được hoàn thiện và đưa vào sản xuất. Các đề tài cũng tạo ra 321 vật liệu mới và thương mại hóa được 73 sản phẩm… Theo TS Nguyễn Thiện Thành, thành công của các chương trình có thể giúp đánh giá mức độ làm chủ công nghệ tiên tiến của Việt Nam so với khu vực và thế giới, mức độ ứng dụng các kết quả vào phục vụ sản xuất và đời sống, nâng cao tiềm lực KH và CN và hiệu quả kinh tế - xã hội của các công trình nghiên cứu. Một số thành tựu ngang tầm quốc tế, như thành công trong ghép khối tụy, thận từ người chết não đã giúp Việt Nam chấm dứt sự tụt hậu 48 năm so với thế giới về lĩnh vực này; công nghệ gắn kháng thể đơn dòng với hai đồng vị phóng xạ I131 và Y90 là một công nghệ rất mới trên thế giới.
Trong lĩnh vực y dược, đã có gần 100 quy trình công nghệ được áp dụng ngay trong các bệnh viện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sáu nhiệm vụ thuộc chương trình KC.06/11-15 đã tạo ra tám giống lúa thơm năng suất cao, chất lượng tốt, kháng một số sâu bệnh hại chính, đã trồng được hơn 100 nghìn ha. Với năng suất tăng 0,5 tấn/ha so với giống đối chứng, các giống này giúp người dân thu thêm 50 nghìn tấn thóc, tương đương 325 tỷ đồng, nếu tính theo giá thóc trung bình cả nước là 6.500 đồng/kg. Trong khi đó, tổng đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho sáu nhiệm vụ này là 44 tỷ đồng. Một thành quả khác là công nghệ đốt than trộn (trộn than trong nước khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy), đem lại hiệu quả lớn cho các nhà máy nhiệt điện. Trong gần một năm qua, công nghệ này đã giúp Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình tiết kiệm khoảng 640 tấn than - tương đương 12 tỷ đồng, trong khi kinh phí cho đề tài là khoảng 6,6 tỷ đồng. Đó là chưa tính lợi ích về môi trường do lượng xỉ thải ra ít khi hiệu suất cháy tăng lên. Nếu sử dụng công nghệ mới này, với nhu cầu hiện tại, các nhà máy nhiệt điện đốt than của Việt Nam có thể tiết kiệm mỗi năm ít nhất 450 nghìn tấn than, tương đương 800 tỷ đồng/năm.
Rào cản khi triển khai các công trình nghiên cứu
Theo chủ nhiệm các chương trình, cơ chế tài chính cho hoạt động nghiên cứu vẫn là một trong những rào cản khi triển khai các công trình. Mặc dù có chủ trương đổi mới cơ chế tài chính nhưng khi triển khai trong thực tế vẫn còn chậm. Việc phân bổ kinh phí theo kế hoạch chưa phù hợp với đặc thù nghiên cứu. Một số quy định về đấu thầu nguyên vật liệu, thiếu kinh phí dự phòng, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động nghiên cứu. Nhất là, cơ chế "đặt hàng" các nhiệm vụ khoa học công nghệ còn tương đối mới cho nên việc triển khai thực hiện còn chưa đồng bộ. Việc phối hợp quản lý của nhiều cơ quan chủ trì với các chủ nhiệm đề tài, dự án chưa thật tốt. Một số cơ quan chủ trì chưa tích cực trong việc hỗ trợ, thanh quyết toán cho đề tài, dự án. Vì vậy, tiến độ của nhiều nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Có tới 30% số nhiệm vụ trong các chương trình buộc phải gia hạn thời gian thực hiện, trong đó một số nhiệm vụ phải gia hạn đến hai lần.
TS Nguyễn Thiện Thành đánh giá, việc đầu tư giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ trong các chương trình còn tương đối dàn trải chưa thật sự tập trung. Theo quyết định phê duyệt khung của các chương trình, 10 chương trình KC có 45 nội dung, năm chương trình KX có 27 nội dung. Tuy nhiên, mỗi nội dung trong chương trình chưa thật cụ thể và đều bao hàm nhiều vấn đề lớn. Trong khi đó, với nguồn kinh phí và quỹ thời gian có hạn cho nên không ít nội dung chỉ có một hoặc hai đề tài được triển khai thực hiện, cá biệt có một vài nội dung chưa có đề tài được triển khai. Đa số các đề tài, dự án chủ yếu tập trung vào giải quyết từng vấn đề cụ thể của sản xuất mà chưa có nhiều các nhiệm vụ hướng vào những vấn đề có ý nghĩa lớn về mặt khoa học và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Do đó tất cả các đề tài đều có địa chỉ ứng dụng nhưng sức lan tỏa của nhiều kết quả chưa cao, dẫn đến tầm ảnh hưởng của các chương trình còn hạn chế. Thời gian tới, các chương trình cần phải xây dựng được các nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ quan trọng trong năm năm và dài hạn hơn, xác định được những vấn đề thiết thực từ sản xuất và đời sống.
Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh cho rằng, để KH và CN đi vào cuộc sống mạnh mẽ hơn, đổi mới sáng tạo nhiều hơn là trách nhiệm của cả cơ quan quản lý ngành KH và CN, các bộ, ngành, nhà khoa học... Bộ KH và CN sẽ tiếp tục đồng hành tháo gỡ từng khó khăn của các nhà khoa học, giúp KH và CN khẳng định vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ chế quản lý các chương trình cần tiếp tục đổi mới; công tác xác định nhiệm vụ KH và CN, tuyển chọn, đánh giá, nghiệm thu cần được cải tiến theo hướng đơn giản hơn, bảo đảm xác định những nhiệm vụ cấp thiết gắn với doanh nghiệp hoặc có tầm ảnh hưởng lớn. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các đơn vị chủ trì trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH và CN cũng như việc quản lý kinh phí. Tiếp tục đề xuất với các bộ, ngành có liên quan cải tiến cơ chế quản lý tài chính để phù hợp hơn với cơ chế đặc thù trong nghiên cứu khoa học, trong đó có một số vấn đề quan trọng như đấu thầu nguyên vật liệu, dành nguồn kinh phí dự phòng và thanh lý tài sản khi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu.
Nguồn: Báo Nhân dân

Send Print  Back
The news brought
Tôn vinh nông dân giỏi ứng dụng công nghệ thông tin 10/18/2016
Công bố chủ nhân giải Nobel Hóa học 2016 10/17/2016
Triển khai mô hình 3R xử lý rác nông thôn đầu nguồn 10/17/2016
Việt Nam giành giải nhất Cuộc thi “Thiết kế phiếu hồi đáp quốc tế” 10/17/2016
Người đàn ông Anh có thể là người đầu tiên được chữa khỏi HIV nhờ liệu pháp mới 10/6/2016
Hàn răng nhiều lần sẽ khiến bạn nhận một kết cục vô cùng đáng sợ 10/6/2016
Nhiều đề tài nghiên cứu thiết thực từ Vườn ươm sáng tạo khoa học & công nghệ trẻ TP.HCM 9/28/2016
Nghiên cứu, đề xuất kết cấu và điều khiển robot mang đầu dò siêu âm kiểm tra bồn chứa xăng dầu 9/28/2016
Giải thưởng sáng chế TP.HCM: Nhiều sáng chế ứng dụng hiệu quả trong cuộc sống 9/28/2016
Sản xuất thử và phát triển hai giống mía K95-156 và Suphanburi7 9/28/2016
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng Nhật Bản 9/28/2016
Báo cáo khoa học định kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ 9/28/2016
Hội nghị khoa học Nghiên cứu sinh Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108 9/28/2016
Hội nghị Nafosted về Khoa học Thông tin và Máy tính lần thứ 3 (NICS 2016) 9/28/2016
Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” 9/28/2016













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 120358801 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn