Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Hải Dương: gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn sản xuất và đời sống 10:33 AM,4/23/2015

Với những hạn chế về cơ chế quản lý, tài chính cho khoa học và công nghệ (KH&CN), song ngành KH&CN Hải Dương đã có nhiều cố gắng để thực hiện tốt các nhiệm vụ KH&CN trong năm 2014 với những kết quả áp dụng thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống của tỉnh.

Một số kết quả nghiên cứu chính trong năm 2014

Ngay sau khi Kế hoạch KH&CN năm 2014 được UBND tỉnh phê duyệt, Sở KH&CN Hải Dương đã tổ chức triển khai, ký hợp đồng nghiên cứu khoa học và áp dụng tiến bộ kỹ thuật với 45/45 nhiệm vụ KH&CN (tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong kế hoạch năm 2014 là 21,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện các đề án/đề tài/dự án là 15,5 tỷ). Kết quả, đã có 44/45 nhiệm vụ KH&CN (đạt 97,8%) được thực hiện với những kết quả nghiên cứu chính như sau:

Lĩnh vực nông nghiệp

Các kết quả nghiên cứu lĩnh vực này đã đưa được các kỹ thuật tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác và chăn nuôi mới vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân ở các địa phương trong tỉnh. Có thể kể đến những kết quả tiêu biểu như: 1. Phát triển các mô hình cơ giới hóa từ khâu làm đất, sản xuất mạ khay, cấy bằng máy đến khâu thu hoạch trên cánh đồng mẫu lớn tại huyện Thanh Miện, làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 6-7 triệu đồng/ha; 2. Lựa chọn được các giống lúa mới, chất lượng có đặc tính thơm, chống chịu bệnh đạo ôn, bạc lá và rầy nâu (Q.ưu 6, NB-01, XT 28) để đề xuất bổ sung vào cơ cấu mùa vụ của tỉnh. Sản xuất thử và phát triển giống lúa chất lượng cao Gia Lộc 105 trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho thấy giống có khả năng kháng sâu bệnh tốt, năng suất đạt 65-68 tạ/ha. Nghiên cứu phát triển sản xuất giống lúa thuần Hương Cốm 4 có chất lượng cao, năng suất đạt 66,3-68,6 ta/ha. Mô hình sản xuất lúa Hưng Dân quy mô 60 ha/2 vụ tại các xã Trùng Khánh (Gia Lộc), An Phụ (Kinh Môn), Hồng Thái (Ninh Giang), năng suất trung bình đạt 64,65 tạ/ha, có thể thay thế cho giống Khang Dân; 3. Phục tráng thành công giống lạc đỏ 3 nhân là giống bản địa của tỉnh có chất lượng cao. Kết quả phục tráng đã duy trì được chất lượng và cho năng suất ổn định đạt 33,36 tạ/ha, cao hơn trước phục tráng 23,14% (năng suất trước khi phục tráng là 27,09 tạ/ha); 4. Nghiên cứu phục tráng nhằm phát triển cây bưởi đào tại xã Thanh Hồng, huyện Thanh Hà, tạo cơ sở cho việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bưởi Lập Lễ”; 5. Xây dựng thành công mô hình sản xuất rau quả tươi an toàn (VietGAP) theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đối với cây cà chua ghép gốc cà tím, cây bí xanh, sản phẩm đã được tiêu thụ tại siêu thị Big C Hải Dương…; 6. Xây dựng mô hình duy trì, lưu giữ và phát triển hoa lan trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Kết quả đã sưu tầm, tuyển chọn, lưu giữ được các loại: Lan Đai Châu, Lan Hoàng Hậu, Lan Giáng Hương, Lan Phi Điệp, Lan Thủy Tiên, chủ động nhân giống và phục vụ nhu cầu của thị trường bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; 7. Xây dựng mô hình nuôi gà J-DABACO theo hướng hàng hóa trên địa bàn huyện Nam Sách thích ứng với điều kiện của địa phương, cho chất lượng và hiệu quả cao, làm cơ sở để mở rộng sản xuất hàng hoá...

Các dự án thuộc “Chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015” đã tạo được một số vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: nuôi gia cầm tại thị xã Chi Linh, huyện Kinh Môn; nuôi thuỷ cầm tại các huyện Thanh Miện, Bình Giang…; nuôi thuỷ sản tại các huyện Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Miện, Gia Lộc...; vùng trồng rau màu: khoai tây (các huyện Thanh Hà, Bình Giang), bí xanh (các huyện Gia Lộc, Nam Sách), cà chua (huyện Nam Sách).

Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

Đã xây dựng và áp dụng có hiệu quả phần mềm quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tại Sở Giao thông Vận tải. Phát triển mô hình công sở điện tử tại Sở KH&CN, Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính. Bên cạnh đó, các kết quả trong lĩnh vực này còn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (năm 2014 đã tư vấn, hướng dẫn về hồ sơ, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu cho 90 doanh nghiệp, hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho 55 nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm của tỉnh).

Lĩnh vực y dược

Các kết quả nghiên cứu về đặc điểm lâm sàng, tính nhạy cảm kháng sinh và phân bố typ huyết thanh trong viêm phổi cộng đồng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã đóng góp thiết thực trong việc sử dụng thuốc kháng sinh có hiệu quả. Đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình trồng cây cỏ ngọt làm vùng nguyên liệu đã được thực hiện thành công, đã nghiên cứu hoàn thiện được quy trình chiết xuất đường Steviosid trong lá cỏ ngọt và đưa vào sản xuất tại Công ty Cổ phần dược và vật tư y tế Hải Dương.

Lĩnh vực khoa học xã hội

Kết quả thực hiện 8 nhiệm vụ trong lĩnh vực này đã góp phần nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích hợp môn Ngữ văn và Lịch sử ở cấp trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh; đánh giá được hiện trạng và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động và hướng tới phát triển bền vững các khu, cụm công nghiệp ở tỉnh; xây dựng mô hình cung cấp thông tin KH&CN tại các xã trên địa bàn tỉnh để người dân áp dụng trong thực tiễn sản xuất, đời sống.

Lĩnh vực khoa học nhân văn

Đề tài: “Sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải Di sản Hán - Nôm tại các di tích lịch sử - văn hoá tỉnh Hải Dương” đã nghiên cứu 16 di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị cho việc xuất bản 200 bộ sách “Di sản Hán - Nôm tỉnh Hải Dương” gồm 2 tập với gần 1.300 trang, góp phần bảo tồn di sản văn hoá của tỉnh.

alt

Những hạn chế, khó khăn

Luật KH&CN năm 2013 có hiệu lực từ 1.1.2014 nhưng cơ chế quản lý hoạt động KH&CN đổi mới còn chậm, nhất là về tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn nhiều vướng mắc, khó khăn cho cán bộ nghiên cứu và các tổ chức KH&CN về định mức chi tiêu, chính sách hỗ trợ, thủ tục thanh quyết toán..., chưa khuyến khích các cán bộ KH&CN của tỉnh tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

Kế hoạch KH&CN năm 2014 còn thiếu các nhiệm vụ KH&CN thực hiện với quy mô lớn, chuyên sâu. Các nhiệm vụ KH&CN và các vấn đề KH&CN đặt hàng của tỉnh còn hạn chế; số lượng đề tài, dự án trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn còn ít.

Việc nhân rộng kết quả nghiên cứu trong sản xuất và đời sống còn hạn chế, chủ yếu thông qua Chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất nông sản hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2015.

Một số đề tài thuộc lĩnh vực khoa học nông nghiệp còn gặp khó khăn trong việc chọn điểm thực hiện, nhất là vụ thu đông, do các địa phương đang thực hiện dồn điền đổi thửa, dẫn đến phải điều chỉnh quy mô, địa điểm và nội dung thực hiện.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2015

Để tiếp tục đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu khoa học, áp dụng thiết thực trong thực tiễn sản xuất, đời sống, đồng thời khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, trong năm 2015, các hoạt động nghiên cứu và áp dụng tiến bộ KH&CN của tỉnh Hải Dương cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:

Trong lĩnh vực nông nghiệp: đẩy mạnh áp dụng và nhân rộng các tiến bộ KH&CN để phát triển các giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản có hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu, lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản mới phù hợp với các vùng sinh thái của tỉnh và có sức cạnh tranh trên thị trường để chuyển giao cho người dân sản xuất. Tiếp tục thực hiện Chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển sản xuất nông sản hàng hoá góp phần xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh sản xuất sản phẩm an toàn để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực y - dược: nghiên cứu các giải pháp quản lý, điều trị các loại bệnh tật, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính...

Về công tác quản lý hoạt động nghiên cứu và áp dụng tiến bộ KH&CN, cần tiếp tục đổi mới việc quản lý hoạt động KH&CN, tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách liên quan đến KH&CN thúc đẩy và phát triển sản xuất, đặc biệt là khâu tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN 2016 cần hướng vào nghiên cứu áp dụng các tiến bộ KH&CN có kết quả thiết thực, có khả năng ứng dụng cao, có địa chỉ ứng dụng cụ thể và quy mô đủ lớn, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp giữa Sở KH&CN với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố trong quản lý và nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Nguồn: Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở KH&CN Hải Dương
Send Print  Back
The news brought
Bổ sung ba đề án, chương trình, dự án vào chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2013 – 2020 4/23/2015
Thiết kế và triển khai phần mềm sổ tay giảng viên 4/23/2015
Công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời vào ban đêm 4/17/2015
Họp báo công bố kết quả Dự án hỗ trợ cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam 4/17/2015
Sơ kết thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh năm 2013-2014 4/17/2015
Khai mạc Triển lãm Analytica Việt Nam 2015 4/16/2015
Bộ trưởng tiếp và làm việc với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam 4/16/2015
Hàn Quốc xúc tiến xuất khẩu công nghệ và thiết bị rô-bốt 4/16/2015
Analytica 2015 - Triển lãm quốc tế lần thứ 4 về công nghệ thí nghiệm, phân tích, công nghệ sinh học và chẩn đoán 4/16/2015
Tọa đàm về sở hữu trí tuệ dành cho phóng viên báo chí 4/16/2015
Chương trình 68: góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ tới mọi miền Tổ quốc 4/16/2015
Hà Tĩnh: nâng cao năng lực tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phát triển làng nghề truyền thống 4/16/2015
Hiệu quả thiết thực từ Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ 4/14/2015
Hội thảo khoa học "Toàn cầu hóa khoa học và công nghệ– Lựa chọn lĩnh vực công nghệ chiến lược, đối tác chiến lược ưu tiên” 4/14/2015
Hội nghị điển hình tiên tiến Khối Tổng cục, Cục, Ban và Quỹ 4/14/2015













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 120890526 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn