Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Công nghệ sinh học trong chẩn đoán và phòng bệnh thủy sản 11:08 AM,9/8/2018

Mười năm trở lại đây, công nghệ sinh học (CNSH) được ứng dụng rất đa dạng trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở nước ta, từ vấn đề di truyền tạo ra các giống mới có chất lượng tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh và có tính kháng bệnh giúp cho người nuôi chủ động được con giống, đến việc ứng dụng trong nghiên cứu công nghệ nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, CNSH cho phép nghiên cứu sản xuất các kit chẩn đoán nhanh, chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh trên một số loài thủy sản với độ nhạy và đặc hiệu cao, đồng thời giúp phòng ngừa dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng sức đề kháng cho đối tượng nuôi này.

 

Kết quả nghiên cứu ứng dụng CNSH trong chẩn đoán và phòng bệnh thủy sản 
Trong chẩn đoán
Kỹ thuật PCR/RT-PCR đã được ứng dụng trong nghiên cứu về bệnh và chẩn đoán bệnh trên tôm nuôi nước lợ, cá biển, cá cảnh và cá rô đồng. Nguyễn Viết Dũng và cộng sự (2012) đã nghiên cứu xây dựng kit RT-PCR và quy trình sử dụng kit phát hiện IMNV (Infectious myonecrosis virus) và LSNV (Laem singh virus) trên tôm nuôi nước lợ dựa trên các chủng vi rút phân lập được từ tôm bệnh ở nước ta. Nguyễn Hoàng Uyên và cộng sự (2011) trong khuôn khổ đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu phát triển phương pháp PCR với tổ hợp mồi chế tạo bộ kit phát hiện sớm một số vi rút gây bệnh nguy hiểm ở cá biển, cá cảnh” đã xây dựng kit PCR cho xét nghiệm Iridovirustrên cá biển, kit PCR cho xét nghiệm bệnh KHV trên cá chép Koi và kit RT-PCR cho xét nghiệm vi rút gây bệnh xuất huyết mùa xuân (SVC) trên cá chép. Kết quả nghiên cứu của đề tài đồng thời bao gồm các quy trình sử dụng tương ứng với từng loại kit được xây dựng. Gần đây, trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp bộ “Nghiên cứu bệnh đen thân trên cá rô đồng nuôi thâm canh và các biện pháp phòng trị”, Đặng Thị Lụa và cộng sự (2014) đã ứng dụng kỹ thuật PCR để xác định mầm bệnh Iridovirus trên cá rô đồng bị bệnh đen thân dựa trên việc khuếch đại đoạn gien MCP (Major capsid protein) của vi rút. Đề tài cũng đã khuyến cáo việc sử dụng cặp mồi được thiết kế trong báo cáo đề tài để xác định Iridovirus trên cá rô đồng bị bệnh bằng kỹ thuật PCR.
Đối với kỹ thuật LAMP, trong thời gian qua một số đề tài cũng tập trung vào nghiên cứu và phát triển kit LAMP trong chẩn đoán xét nghiệm vi rút đốm trắng (WSSV) trên tôm, phát hiện vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây bệnh gan thận mủ trên cá tra, chẩn đoán phát hiện vi khuẩn Streptococus agalactiae gây bệnh Streptococcosis trên cá rô phi. Nguyễn Thị Trung và cộng sự (2012) đã tạo thành công kit LAMP phát hiện vi khuẩn E. ictalurigây bệnh gan thận mủ dựa trên việc khuếch đại đặc hiệu đoạn gen eip18 của vi khuẩn với độ nhạy là 50 CFU/ml và thời gian đọc kết quả là 90 phút. Nghiên cứu đồng thời xây dựng quy trình sử dụng kit LAMP để chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ trên cá tra. Kết quả nghiên cứu này đặc biệt có ý nghĩa và cần thiết vì bệnh gan thận mủ là bệnh đặc thù trên cá tra, đối tượng nuôi chủ lực ở nước ta. 
Ngoài kỹ thuật PCR/RT-PCR và LAMP, một số kỹ thuật sinh học phân tử khác cũng đã được ứng dụng trong nghiên cứu chẩn đoán, xét nghiệm bệnh trên một số đối tượng thủy sản chủ lực ở nước ta. Cao Thành Trung và cộng sự (2014) khi nghiên cứu về vi rút gây bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan phân lập biểu mô (IHHNV) trên tôm sú đã phát triển thành công kit Multiplex PCR để chẩn đoán type IHHNV lây nhiễm. Nguyễn Hữu Vũ và cộng sự (2014) cũng xây dựng phương pháp chẩn đoán vi khuẩn S. agalactiae bằng kỹ thuật Elisa góp phần hỗ trợ việc định danh vi khuẩn Streptococcus spp. bằng phương pháp truyền thống.

Trong phòng bệnh
Cùng với việc tiếp cận những tiến bộ trong nghiên cứu sản xuất vắc xin trên thế giới, nhiều đề tài nghiên cứu phòng bệnh trong NTTS ở nước ta đã được thực hiện thành công. Cụ thể:
Đối với bệnh gan thận mủ trên cá tra: Nguyễn Mạnh Thắng và cộng sự (2009) đã phối hợp với Công ty Thuốc thú y Trung ương (Navetco) nghiên cứu thành công vắc xin vô hoạt phòng bệnh do vi khuẩn E. ictaluri trên cá tra. Vắc xin được sản xuất là vắc xin vô hoạt toàn tế bào được diệt bằng formol 0,4% và sử dụng chất bổ trợ là dung dịch phèn chua. Kết quả thử nghiệm vắc xin bước đầu cho tỷ lệ bảo hộ tốt ở quy mô phòng thí nghiệm. Tỷ lệ sống tương đối của cá tra tiêm vắc xin sau 21 ngày công cường độc vi khuẩn ứng với các liều công 2LD50, 20LD50 và 80LD50 lần lượt là 97, 93 và 71%. Lê Hồng Phước và cộng sự (2012) cũng đã nghiên cứu nâng cao hiệu quả vắc xin bất hoạt phòng bệnh gan thận mủ bằng kỹ thuật sốc nhiệt protein. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vắc xin bất hoạt thông qua sốc nhiệt protein có khả năng bảo hộ khoảng 52-58% đối với bệnh gan thận mủ trên cá tra. 
Cũng liên quan đến bệnh gan thận mủ trên cá tra, bằng việc ứng dụng kỹ thuật đột biến gen, Võ Văn Nha và cộng sự (2013) đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học TP Hồ Chí Minh nghiên cứu tạo được 3 chủng vi khuẩn E. ictaluri đột biến (E. ictaluri PAM, E. ictaluri ARO và E. ictaluri CH). Trong số đó, chủng đột biến E. ictaluri ARO cho khả năng kích thích miễn dịch kháng bệnh gan thận mủ tốt nhất, có thể chọn làm vắc xin nhược độc phòng bệnh gan thận mủ ở cá tra.
Bệnh Streptococcosis trên cá rô phi nuôi thương phẩm: Nguyễn Hữu Vũ và cộng sự (2014) đã sản xuất thành công vắc xin toàn khuẩn vô hoạt keo phèn phòng bệnh do vi khuẩn Streptococcus spp. trên cá rô phi nuôi. Vắc xin thử nghiệm cho hiệu quả bảo hộ trong phòng thí nghiệm đạt gần 80% bằng phương pháp cho ăn, thời gian bảo hộ 6 tháng. Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ 4oC trong thời gian 12 tháng vẫn giữ nguyên hiệu lực. Hiện tại sản phẩm vắc xin này đang được tiếp tục nghiên cứu sản xuất thử nghiệm ở quy mô công nghiệp.
Bệnh do vi khuẩn Vibrio spp. gây ra trên cá nuôi biển: năm 2013, nhóm nghiên cứu của Phan Thị Vân và cộng sự đã phát triển thành công vắc xin vô hoạt phòng bệnh Vibriosis cho cá giò nuôi. Kết quả sản xuất được 52.000 liều vắc xin AquaVib vô hoạt có độ vô trùng tuyệt đối, độ an toàn 100%, tỷ lệ phòng bệnh 70-100% sau 7 đến 30 ngày tiêm vắc xin ở quy mô phòng thí nghiệm. Ở ngoài thực địa, vắc xin có độ dài miễn dịch từ 3 đến 12 tháng, tỷ lệ phòng bệnh trên 70%. Vắc xin có thời gian bảo quản ở nhiệt độ 4oC ít nhất 9 tháng vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Bệnh hoại tử thần kinh do vi rút VNN gây ra trên đối tượng cá nuôi biển: thông qua việc thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, Phạm Thị Tâm và cộng sự (2015) đã tạo ra 2 loại vắc xin vô hoạt và vắc xin tái tổ hợp phòng bệnh VNN cho cá mú nuôi với độ vô trùng tuyệt đối, độ an toàn 100% và hiệu lực phòng bệnh trên 83% ở cá giống. Đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên phát triển vắc xin dựa trên công nghệ ADN tái tổ hợp ở nước ta. 
Khác với đối tượng cá, tôm được cho là không có hệ miễn dịch đặc hiệu hoặc có nhưng rất yếu nên việc sử dụng vắc xin phòng bệnh cho hiệu quả còn thấp. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về biện pháp khống chế vi rút WSSV gây bệnh đốm trắng trên tôm, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học tự nhiên phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã sản xuất vắc xin dưới dạng Probiotics tái tổ hợp nhằm nâng cao hiệu quả bảo hộ đối với loài vi rút này. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho hiệu quả bảo vệ tôm chống lại vi rút WSSV ở quy mô pilot tốt.
Những vấn đề cần quan tâm
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc ứng dụng CNSH trong phòng bệnh thủy sản ở nước ta còn có những tồn tại, hạn chế như: việc ứng dụng kỹ thuật sinh học vào trong nghiên cứu và chẩn đoán bệnh động vật thủy sản vẫn còn chậm và có thể nói là chưa bắt kịp với sự phát triển trên thế giới; các sản phẩm vắc xin tạo ra chủ yếu mới chỉ dừng lại nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô phòng thí nghiệm, chưa được nâng tầm nghiên cứu thử nghiệm ở quy mô công nghiệp, đại trà (ngoại trừ vắc xin sản xuất cho cá rô phi do Công ty HANVET chủ trì). Do vậy, chưa có vắc xin thủy sản thương mại do chính Việt Nam sản xuất ra được cấp phép lưu hành; cơ sở trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu sản xuất vắc xin còn chưa đồng bộ, trình độ chuyên môn (bề dày kinh nghiệm) trong nghiên cứu vắc xin thủy sản cũng hạn chế; thiếu sự liên kết phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu với các công ty/doanh nghiệp cũng như với các cơ sở nuôi để sản xuất vắc xin ở quy mô công nghiệp và thử nghiệm sản phẩm vắc xin ngoài thực địa... 
Trên cơ sở các kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu ứng dụng CNSH trong chẩn đoán và phòng bệnh thủy sản, trong thời gian tới, những nghiên cứu thuộc lĩnh vực này nên được tập trung vào một số định hướng sau:
Một là, giải quyết vấn đề kiểm soát và phòng bệnh cho một số đối tượng nuôi chủ lực theo định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp và có khả năng nuôi công nghiệp như tôm nuôi nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra, cá rô phi và đối tượng nuôi biển.
Hai là, phát triển phương pháp/kit chẩn đoán nhanh đối với một số bệnh nguy hiểm thường gặp trên một số đối tượng nuôi công nghiệp, phục vụ cho công tác sàng lọc bố mẹ trước khi sinh sản, sàng lọc nguồn con giống trước khi thả nuôi và kiểm dịch động vật thủy sản.
Ba là, phát huy hơn nữa vai trò của kỹ thuật sinh học phân tử trong sản xuất vắc xin, đồng thời chú trọng đến việc phát triển vắc xin đa giá do đối tượng thủy sản thường mắc nhiều hơn một bệnh ở cùng giai đoạn phát triển.
Bên cạnh những định hướng ưu tiên nêu trên, chúng ta cần phải tiếp cận nghiên cứu khoa học theo hướng hợp tác, phối hợp giữa các đơn vị nghiên cứu và giữa đơn vị nghiên cứu với công ty/doanh nghiệp để nhanh chóng đưa sản phẩm/công trình nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Đồng thời, chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực đi đôi với việc đầu tư, trang bị cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, tránh đầu tư giàn trải và có thiết bị mà không có người sử dụng.

Nguồn: Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I


Send Print  Back
The news brought
Áp dụng công nghệ cao nâng cao năng suất chất lượng nuôi tôm tại Bạc Liêu 8/22/2018
Kiên Giang: Mô hình cá nâu - tôm sú, lợi nhuận cao 8/3/2018
Phương pháp trắc quang xác định lượng kháng sinh Fluoroquinolone trong tôm và nước ao nuôi tôm 7/30/2018
Phân tích công nghệ đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương sau thu hoạch bằng biểu đồ sáng chế. 7/30/2018
“Nghiên cứu ảnh hưởng của nền đáy, độ mặn, nhiệt độ và thời gian phơi bãi đến mức độ phát triển và đề xuất giải pháp nâng cao năng suất nghề nuôi ngao Bến Tre Meretrix lyrata (Sowerby, 1851)” - Mã số đề tài: VAST06.05/16-17. 7/27/2018
Ứng dụng năng lượng mặt trời với dàn sấy động để sấy khô cá sặc rằn 7/20/2018
Ứng dụng công nghệ sinh học và các công nghệ khác nhằm nâng cao sức sinh sản của tôm sú (penaeus monodon) bố mẹ nuôi trong điều kiện nhân tạo 7/2/2018
Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng cá tra từ bột lên giống ở đồng bằng sông Cửu Long 7/2/2018
Đặc điểm sinh học sinh sản và khả năng sản xuất giống trên Ngao móng tay chúa. 6/25/2018
Thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím (Channa sp.) tại Khoa Thủy sản Học viện nông nghiệp Việt Nam 6/21/2018
Hệ thống sấy cá bằng năng lượng mặt trời: Hiệu quả gấp 3 lần 6/21/2018
Ảnh hưởng sốc độ mặn trong giai đoạn thả giống lên sinh trưởng của tôm sú ương 6/18/2018
Nghiên cứu đánh giá cơ sở thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi trong mối liên hệ với các yếu tố thủy địa hóa trong mô hình tôm sinh thái tại huyện Năm Căn tỉnh Cà Mau – Đề xuất giải pháp cải thiện mô hình. Mã số đề tài: VAST.CTG.06/14-16 6/14/2018
Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản của Ngán phục vụ bảo tồn và phát triển nguồn lợi Ngán tại Quảng Ninh. Mã số đề tài: VAST.NĐP.04/15 – 16 6/14/2018
Giảm lượng thức ăn khi nuôi kết hợp cá rô phi và rong câu. 6/8/2018













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 120279198 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn