“Ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới”, “Nắm bắt xu hướng nuôi dưỡng sáng tạo”, “Robot và Trí tuệ nhân tạo” là các chủ đề của 3 hội nghị được Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức trong thời gian từ tháng 8 – 11/2018 tại TPHCM.
Thông tin trên được PGS.TS. Lê Hoài Quốc – Trưởng ban quản lý SHTP - cho biết tại buổi công bố các hội nghị quốc tế năm 2018 do SHTP tổ chức ngày 15/8 tại TPHCM.
Thứ nhất, Hội nghị “Ứng dụng công nghệ nano và vật liệu mới” sẽ diễn ra vào ngày 31/8. Hội nghị có sự tham gia của nhiều diễn giả là những nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực công nghệ và vật liệu nano đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Singapore và Việt Nam.
Tại hội nghị, các kết quả nghiên cứu, ứng dụng trên nền tảng hai vật liệu mới là nano các-bon và nano silicon sẽ được giới thiệu, tìm kiếm hợp tác đầu tư, và chuyển giao công nghệ.
Đặc biệt, Hội nghị đã mời được Giáo sư Sumio Iijima (Đại học Meiji), người phát minh ra vật liệu ông nano các-bon vào năm 1991, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển một cách thần kỳ của công nghệ và vật liệu nano không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới; Giáo sư Munir Nayfeh (Đại học Illinois), người phát minh ra vật liệu nano silicon có tính chất phát quang và được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y sinh học và trị liệu ung thư; Giáo sư Eiichi Tamiya (Đại học Osaka), chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực nano cảm biến sinh học ở Nhật Bản và trên thế giới.
Thứ hai, Diễn đàn vi cơ điện tử (MEMS) diễn ra vào ngày 28/9 với chủ đề chính là “Nắm bắt xu hướng nuôi dưỡng sáng tạo” và các chủ đề phiên song song, tập trung vào các nôi dung như: Hướng đến thương mại hóa sản phẩm MEMS từ kết quả hoạt động nghiên cứu và triển khai; Những chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển ngành công nghiệp MEMS; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp MEMS; Vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm trong sự phát triển hệ sinh thái MEMS. Diễn đàn cũng tập trung thảo luận chiến lược giữa các nhà điều hành cấp cao để định hình thị trường sản phẩm MEMS tại Việt Nam trong trung và dài hạn. Đồng thời duy trì và tăng cường kết nối mạng lưới giữa “doanh nghiệp – doanh nghiệp”, “doanh nghiệp – chuyên gia” và “chuyên gia - chuyên gia”.
Thứ ba là Hội nghị Quốc tế thường niên SHTP 2018 diễn ra vào ngày 16 - 17/11. Hội nghị gồm 1 phiên chính với chủ đề “Robot và Trí tuệ nhân tạo” và các chủ đề phiên song song về: Sự tương tác giữa Con người và Robot trong thời đại công nghiệp 4.0; Robot và trí tuệ nhân tạo cho thành phố thông minh; Việt Nam trong thời đại Robot và trí tuệ nhân tạo.
“Hội nghị là bước chuẩn bị cho sự phát triển bền vững và tối ưu hóa tiềm năng của SHTP trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với mục đích tiếp cận những công nghệ mới nhất trên thế giới về lĩnh vực robotics và trí tuệ nhân tạo. Từ đó, kết nối thành quả nghiên cứu của nhà khoa học với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm”- ông Quốc chia sẻ.
Ông Quốc cho biết thêm, qua các năm tổ chức hội nghị thường niên, hội nghị chuyên ngành và diễn đàn MEMS, SHTP đã hình thành được mạng lưới liên kết các nhà khoa học ở một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, vật liệu mới; phát triển được một số doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ nước ngoài để sản xuất sản phẩm tại SHTP như chip sinh học, stent mạch vành,…Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại SHTP cũng được hợp tác với các doanh nghiệp, đơn vị trong nước triển khai áp dụng vào thực tiễn như ứng dụng cảm biến áp suất để đo mực nước nhằm cảnh báo các điểm ngập cho người dân TPHCM;…
Nguồn: Báo khoa học và phát triển