Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

E-learning tại Việt Nam và một số vấn đề cần quan tâm 3:48 PM,7/27/2018

Trước nhu cầu bắt kịp xu hướng phát triển của giáo dục thế giới cũng như bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng cùng sự phát triển của kỹ thuật số hiện nay, đào tạo trực tuyến (E-Learning) là hình thức đào tạo mà nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đã, đang và sẽ hướng tới. Để đáp ứng nhu cầu học và dạy học trực tuyến đang ngày một gia tăng, sự thay đổi và phát triển phù hợp về chất lượng và số lượng là bài toán đặt ra cho các cơ sở đào tạo này.

Đào tạo trực tuyến tại một số cơ sở giáo dục đại học ở nước ta

Số người sử dụng Internet tại Việt Nam tháng 1/2017 là 54,05 triệu người, tương đương khoảng 53% dân số, tăng 3% so với năm 2016 [1]. Trong số những người sử dụng Internet, thời gian sử dụng máy tính cá nhân hoặc máy tính để bàn lên tới 6 giờ 53 phút/ngày. Con số này cho thấy, công nghệ số đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hiện đại. Với sự phát triển nhanh chóng của kỷ nguyên số hóa, bên cạnh những thuận lợi mà nó mang lại, những thách thức đặt ra cho giáo dục trực tuyến sẽ càng trở nên lớn hơn.

Tháng 9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1559/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”, trong đó khẳng định, “đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng hóa, bảo đảm hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần xây dựng xã hội học tập”. Hiện nay, các trường đại học trong nước đã mở rộng hình thức đào tạo trực tuyến bởi tính ưu việt của hình thức này với nhiều chuyên ngành đa dạng. Sau đây là một số chương trình đào tạo trực tuyến bậc đại học tiêu biểu:

1) Trung tâm Đào tạo từ xa - Viện Đại học Mở TP Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1996 là thành viên của Hiệp hội các trường đào tạo từ xa trên thế giới; đào tạo được hơn 20000 sinh viên dưới hình thức đào tạo từ xa bao gồm 13 ngành với 24 chuyên ngành thuộc khối quản lý kinh tế, kỹ thuật công nghệ... Chương trình đào tạo từ xa cung cấp bởi Trung tâm Đào tạo từ xa - Viện Đại học mở TP Hồ Chí Minh với việc kế thừa phần lý thuyết của các tổ chức đào tạo từ xa có uy tín trên thế giới như AAOU, ICDE, SEAMOLEC đồng thời bám sát với thực tiễn Việt Nam là mạng lưới liên kết đào tạo rộng khắp nhưng không trao quyền cho bất cứ đối tác nào về chương trình đào tạo. Nhờ vậy, có thể nói, đào tạo trực tuyến tại đây trở thành tiên phong trong lĩnh vực đào tạo từ xa tại khu vực miền Trung và Nam Việt Nam.

2) Trung tâm Đào tạo từ xa - Viện Đại học Mở Hà Nội thành lập năm 2009 với mô hình đào tạo trực tuyến EHOU và HOU-Topica kết hợp với EDUTOP 64, cung cấp cho người học các chuyên ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Luật kinh tế. Viện Đại học Mở Hà Nội đã ký kết với Chính phủ Hàn Quốc tài trợ Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và Triển khai đào tạo theo phương thức E-Learning nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy trực tuyến theo mô hình hiện đại và hiệu quả. Chương trình đào tạo được thiết kế với: hệ thống quản lý học tập LMS, hệ thống quản lý đào tạo EBS, các lớp học trực tuyến Vclass, hệ thống hỗ trợ học tập và trả lời thông tin trực tuyến.

3) Trung tâm Đào tạo từ xa - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân với mô hình đào tạo trực tuyến NEU-EDUTOP. Đây là chương trình đào tạo cử nhân kết hợp bởi 2 đơn vị Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đào tạo EDUTOP 64. Bên cạnh đó, NEU-EDUTOP được Microsoft, Qualcomm, Hewlett Packard, USAID, World Bank Infodev và Vietnam Foundation phát triển và tài trợ, với nội dung học liệu đa dạng nhằm đào tạo các nhóm chuyên ngành lớn liên quan tới lĩnh vực Luật kinh tế, Luật kinh doanh, Tiếng Anh thương mại, Ngân hàng, Quản lý kinh tế, Quản trị du lịch, Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị doanh nghiệp. Chương trình đào tạo được thiết kế theo mô hình 4H (Học viên - Hình ảnh - Hiệu quả - Hoạt động), đồng thời áp dụng đào tạo kết hợp giữa trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) phối hợp bởi các giảng viên chuyên môn và giảng viên doanh nghiệp uy tín. Thông thường, thời gian học kéo dài 9 tuần thông qua việc học lý thuyết trên các học liệu đa phương tiện, hỏi đáp trực tuyến, bài tập về nhà trực tuyến và kiểm tra tập trung cuối chương trình nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra và tính khách quan trong việc đánh giá chất lượng học tập.

4) Trung tâm Đào tạo từ xa - Đại học Thái Nguyên ra đời năm 2012, triển khai đào tạo từ xa ở bậc đại học thông qua cả 2 hình thức (truyền thống và trực tuyến). Hình thức đào tạo trực tuyến được xây dựng cho đào tạo cử nhân chuyên ngành Kế toán, Luật, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế và chỉ sau 2 năm hoạt động đã tuyển sinh và đào tạo được 703 sinh viên. Dù vẫn còn non trẻ so với nhiều chương trình đào tạo trực tuyến trong nước, song Trung tâm Đào tạo từ xa - Đại học Thái Nguyên cũng đang trở thành một cơ sở đào tạo trực tuyến tiềm năng của khu vực phía Bắc. Đến nay, Trung tâm đã liên tục nâng cấp và cải thiện hệ thống học liệu điện tử với hơn 4000 giáo trình và 10000 tài liệu tham khảo khác nhằm đáp ứng nhu cầu cập nhật và tiếp thu kiến thức của học viên [2]…

Làm gì để phát triển đào tạo trực tuyến tại các trường đại học?

Nguồn thu từ hoạt động đào tạo chính quy của các cơ sở đào tạo đại học sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn ở góc độ xuyên quốc gia, song sẽ mở ra cơ hội cho các hình thức đào tạo trực tuyến. Sự phát triển của đào tạo trực tuyến tại Việt Nam trong 15 năm qua cho thấy đã mang lại nhiều lợi ích và đóng góp đáng kể cho kinh tế - xã hội của đất nước. Tinh thần ham học hỏi của người dân cũng như các ưu điểm đáng kể của đào tạo trực tuyến dự báo sẽ thúc đẩy hình thức đào tạo này phát triển mạnh trong thời gian tới nếu chúng ta giải quyết triệt để các vấn đề sau:

Một là, việc cung cấp các hình thức đào tạo trực tuyến với các phương thức kết nối đa dạng và học liệu bao hàm cả lý thuyết và ứng dụng thực tiễn vào trong các học phần, học liệu đã được thực hiện. Một số cơ sở đào tạo đại học trong nước có lồng ghép thêm các chương trình giảng dạy của nước ngoài để đa dạng hóa nội dung học tập, tuy nhiên hiệu quả của việc ứng dụng trên thực tế vẫn chưa cao. Do đó, các cơ sở đại học cần lưu ý làm sao để đưa các chương trình tiên tiến quốc tế làm phong phú và nâng cao chất lượng cho chương trình đào tạo của cơ sở đào tạo trong nước mà vẫn đảm bảo được sự chủ động và sáng tạo cho người dạy và người học, giữ được bản sắc riêng của chương trình cũng như đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong đào tạo trực tuyến.

Hai là, đào tạo trực tuyến yêu cầu người học phải có phương pháp tiếp cận chủ động hơn trên mỗi học liệu, người học phải tự chủ trong việc ôn luyện, trao đổi và đặt các câu hỏi trên cơ sở lý thuyết đưa ra. Nếu như đối với việc học tập ở lớp học truyền thống, học viên có thể tranh luận và phản biện cùng nhau (và với giảng viên) thì trong môi trường trực tuyến, việc thảo luận đôi khi sẽ có độ trễ nhất định, hoặc các học viên sẽ ít có động lực để trao đổi và tương tác trong các diễn đàn trực tuyến. Để học viên không còn có tâm lý e dè khi thảo luận, cần nâng cao hiệu quả của các diễn đàn trực tuyến, khẳng định vai trò tương tác khi đánh giá khóa học và kết quả của người học, đánh giá được vai trò và trách nhiệm của quản trị viên và các kỹ thuật viên cũng như những người hướng dẫn kỹ thuật.

Ba là, hạ tầng tốt đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công việc triển khai dạy - học trực tuyến, trong khi việc phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ E-Learning với việc cải cách và nâng cấp không thể diễn ra trong ngắn hạn. Vì thế, các cơ sở đào tạo cần có sự phân bổ cụ thể về tài chính cũng như sắp xếp về thời gian hợp lý để vẫn tiếp tục thực hiện đồng thời 2 hoạt động giảng dạy và nâng cấp hạ tầng mà không ảnh hưởng tới người học.

Bốn là, để chuẩn bị cho một đội ngũ nhân lực có trình độ cao sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới, vai trò của giáo dục - đào tạo, trong đó các cơ sở đào tạo đại học ngày càng được đề cao. Trong đó, mô hình đào tạo trực tuyến cũng cần có sự chuyển biến tích cực, lấy đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu chính. Ở đây, việc tăng cường hợp tác quốc tế và tiếp thu kinh nghiệm của các cơ sở giáo dục trên thế giới là cần thiết, đặc biệt là các mô hình đào tạo kép của Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia phát triển khác với tiêu chí “học đi đôi với hành” là các mô hình chúng ta có thể học hỏi và áp dụng [3]. Bên cạnh đó, bám sát các chương trình đào tạo hàn lâm, ứng dụng của các nước tiên tiến để có sự cập nhật, bổ sung cho chương trình đào tạo trực tuyến trong nước hiện đại và tương thích với sự phát triển của KH&CN, đặc biệt là các chuyên ngành khoa học mới.

Năm là, bên cạnh việc thay đổi học liệu, học phần, chất lượng học viên cũng như chất lượng đội ngũ (giảng viên, chuyên viên hỗ trợ kỹ thuật, chuyên viên thiết kế web và đồ họa…) cũng là một vấn đề đáng quan ngại trong đào tạo trực tuyến [4]. Các cơ sở đào tạo trực tuyến có uy tín và kinh nghiệm trong nước cần nghiên cứu mở thêm các khóa đào tạo định kỳ về phương pháp học tập cho người học hay các lớp nâng cao kỹ năng giảng dạy cho đội ngũ người hướng dẫn, người giảng dạy nhằm hướng tới sự thay đổi toàn diện cả về chất và lượng cho đào tạo trực tuyến. Đây cũng là cách thu hút rộng rãi người học trực tuyến của các cơ sở đào tạo từ xa thuộc các trường đại học trong dài hạn.

Sáu là, thực hiện các chiến dịch marketing hiệu quả cho các chương trình E-Learning là một giải pháp mà các cơ sở đào tạo đại học nên lưu ý. Việc làm này góp phần đưa E-Learning đến với mọi tầng lớp dân cư, từ đó khuyến khích tinh thần học tập cũng như rút ngắn những rào cản mà đào tạo truyền thống mang lại.

ThS Phan Thu Trang, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Send Print  Back
The news brought
Phần mềm học tiếng Nhật 7/27/2018
Giải pháp quản lý và điều hành thông minh cho các nhà máy tại Việt Nam 7/27/2018
Các gói sản phẩm và giải pháp công nghệ bảo mật dành cho doanh nghiệp 7/27/2018
Tỉnh Bình Thuận cho phép người dân tra cứu hàng loạt dịch vụ công qua Zalo 7/27/2018
Giải pháp quản lý kho hàng trên nền tảng điện toán đám mây 7/27/2018
Phần mềm gián điệp BrowserSpy theo dõi hơn nửa triệu máy tính Việt Nam 7/26/2018
Gương sinh trắc học làm nổi bật những sai sót trong công nghệ trí tuệ nhân tạo AI 7/26/2018
Sắp có thiết bị điện điều khiển bằng giọng nói made in Vietnam 7/25/2018
5G sẽ thúc đẩy số hóa ngành công nghiệp và cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam 7/25/2018
Miếng dán điện tử thúc đẩy phát triển Internet kết nối vạn vật 7/25/2018
Hệ thống dự báo động đất sử dụng trí tuệ nhân tạo 7/24/2018
Thiết kế và thực thi mô hình gateway cho các thiết bị IoTs 7/20/2018
Mô hình dự báo dịch tả dựa trên GIS 7/20/2018
Vietnam DataCube - hệ thống chia sẻ dữ liệu vệ tinh mở và miễn phí 7/20/2018
Ứng dụng công nghệ trong quản lý hướng dẫn viên du lịch 7/20/2018













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 120266032 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn