Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga "Rosatom" ký Bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác triển khai Dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam 3:39 PM,7/6/2017

Nhằm củng cố và đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa hai nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, từ ngày 28/6 đến 1/7/2017 Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã dẫn đầu Đoàn đại biểu chính thức thăm Liên bang Nga. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh là thành viên chính thức của Đoàn và đã tham dự các buổi hội đàm của Chủ tịch nước với Tổng thống Liên bang Nga V. Putin, Thủ tướng D. Medvedev, Chủ tịch Duma Quốc gia V. Volodin, và các hoạt động khác của Đoàn. Nhiều văn bản quan trọng được ký kết trong chuyến thăm, đánh dấu một giai đoạn hợp tác mạnh mẽ trong quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Chiều 29/6, tại Điện Kremlin ở thủ đô Mát-xcơva, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin,  Thứ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam Trần Việt Thanh và Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (“Rosatom”) Alexey Likhachev đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN và Tập đoàn “Rosatom” về Kế hoạch hợp tác triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả của Bản ghi nhớ này được thể hiện trong Tuyên bố chung giữa hai nước: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin nhất trí hai Bên sẽ tiếp tục hợp tác xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, ủng hộ việc thực hiện nhất quán Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ký ngày 23/5/2017 tại Hà Nội”.

Theo Bản ghi nhớ này, trong thời gian tới các nội dung chính cần triển khai đó là Chính phủ Việt Nam phê duyệt Báo cáo nghiên cứu Tiền khả thi (Pre-FS) về Trung tâm và tiến tới thực hiện các bước đàm phán về Hiệp định về tín dụng ưu đãi với Liên bang Nga dựa trên cơ sở cấu hình mới nhất của Trung tâm đã được hai bên trao đổi và thống nhất trong Biên bản cuộc họp ký ngày 10 tháng 2 năm 2017 giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM), thuộc Bộ KH&CN và Công ty “Rusatom Overseas” cùng Công ty “Atomstroyexport” (“Rosatom”).

Ngoài ra, hai Bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở pháp lý, pháp quy và xây dựng bộ máy quản lý, đào tạo nguồn nhân lực cho Trung tâm KH&CN hạt nhân, và hai Bên sẽ nghiên cứu, soạn thảo và thống nhất Kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Để lý giải tại sao Việt Nam có nhu cầu xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu mới, cần nhìn lại vai trò của lò phản ứng (LPƯ) hạt nhân Đà Lạt hiện nay thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, do Tập đoàn General Atomics của Hoa Kỳ xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam và đưa vào hoạt động từ năm 1963 với công suất thấp 0,25 MWt với tên TRIGA Mark II. Từ năm 1979, Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia (nay là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đã thực hiện Dự án Khôi phục và mở rộng lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với công suất được nâng cấp lên 0,5 MWt (sử dụng nhiên liệu của Liên bang Nga). Tuy công suất rất khiêm tốn (thấp nhất so với các lò phản ứng nghiên cứu của các nước trong khu vực Đông Nam Á), nhưng LPƯ hạt nhân Đà Lạt đã và đang có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của ngành Năng lượng nguyên tử (NLNT) của Việt Nam trong gần 40 năm qua. Lò phản ứng và các phòng thí nghiệm là nơi duy trì, phát triển và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành; sản xuất các dược chất phóng xạ để mở rộng các khoa y học hạt nhân trong cả nước từ 2 khoa trước năm 1990 đã có trên 25 khoa như hiện nay; thúc đẩy các ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các ngành công nghiệp sản xuất, khai thác dầu khí và các lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên môi trường, v.v.. Tuy vậy, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt chỉ có thể duy trì hoạt động như hiện nay đến khoảng năm 2028, cũng là thời điểm vừa sử dụng hết số nhiên liệu hạt nhân hiện có, đồng thời lúc đó Lò phản ứng sẽ gần 70 năm tuổi thọ, sẽ là một trong các lò phản ứng có tuổi thọ cao nhất của thế giới.

Với các lý do nêu trên, dự án xây dựng một Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới cho ngành NLNT của một quốc gia với gần 100 triệu dân (vào thời điểm năm 2025) là cần thiết, nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng các ứng dụng của kỹ thuật hạt nhân, đồng vị phóng xạ và công nghệ bức xạ đã thu được trong gần 40 năm qua trên cơ sở vận hành và khai thác LPƯ hạt nhân Đà Lạt, đồng thời nhằm để chuẩn bị tiềm lực và nhân lực về chuyên môn và quản lý cho ứng dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Việt Nam.

 Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân với LPƯNC mới sẽ đánh dấu một mốc phát triển mới của ngành NLNT Việt Nam. Việt Nam sẽ có một cơ sở nghiên cứu hạt nhân tầm cỡ khu vực với LPƯNC công suất khoảng 15 MWt với các trang thiết bị hiện đại. Với mục tiêu Trung tâm sẽ là nơi tập trung hàng trăm nhà khoa học, công nghệ hạt nhân Việt Nam và quốc tế đến làm việc, tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo nhân lực, Trung tâm KH&CN hạt nhân sẽ là một nhân tố quan trọng, góp phần xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực NLNT với tầm cao mới.

Các mục tiêu chính của Dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân với LPƯNC mới của nước ta sẽ là:

- Đẩy mạnh nghiên cứu, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới đối với nước ta, nhờ đó tiềm lực KH&CN của quốc gia trong lĩnh vực hạt nhân, đặc biệt về vật lý hạt nhân, công nghệ lò phản ứng, phân tích an toàn, phân tích rủi ro và khoa học vật liệu … sẽ được nâng lên tầm cao mới, đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao trong phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng.

- Qua vận hành và khai thác sử dụng LPƯNC mới với công suất gấp khoảng 30 lần so với LPƯ hạt nhân Đà Lạt hiện nay, đội ngũ cán bộ KH&CN hạt nhân có trình độ cao sẽ xuất hiện với nhiều chuyên gia đẳng cấp quốc tế.

- Hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng Năng lượng nguyên tử và phát triển điện hạt nhân trong tương lai.

- Tạo ra nhiều sản phẩm và các dịch vụ kỹ thuật trong lĩnh vực ứng dụng Năng lượng nguyên tử có khả năng thương mại hóa (như điều trị ung thư trong y tế, các ứng dụng trong kỹ thuật hạt nhân, bức xạ công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu, xây dựng, bảo vệ môi trường, v.v...).

- Góp phần ngày càng tích cực vào phát triển khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Việc ký Bản ghi nhớ về Kế hoạch hợp tác triển khai dự án xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam thể hiện quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, mang tính chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga, góp phần vào việc thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển và sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Việt Nam.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ngày 5/7/2017.

Send Print  Back
The news brought
Máy băm cành thanh long 7/6/2017
Kỳ vọng tạo đột phá 7/3/2017
Hải Phòng triển khai kế hoạch thanh tra quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ 7/3/2017
Giao lưu trực tuyến về môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành 7/3/2017
Vật liệu polymer đầu tiên trên thế giới có thể tự di chuyển được bằng ánh sáng 7/3/2017
Cà Mau: Nghiên cứu đặc điểm sinh học và thử nghiệm cho sinh sản giống ngao móng tay chúa 7/3/2017
An Giang: Tập huấn về định hướng nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN trong sản xuất thuốc trừ sâu sinh học 7/3/2017
Biến nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng Mặt trời 7/3/2017
Bộ TT-TT hướng dẫn cách xử lý mã độc tống tiền Petya 7/3/2017
Hội thảo các nhà khoa học trẻ Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ 4 7/3/2017
Mã độc Petwrap mới còn khó đối phó hơn virus Wannacry 7/3/2017
Tầng ozone bảo vệ Trái đất đối mặt với mối đe dọa mới 7/3/2017
NASA sẽ dùng AI để chế tạo tàu thăm dò không gian tự động 7/3/2017
Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thanh niên tại Bộ KH&CN 7/3/2017
Nữ tiến sĩ Việt Nam vào top 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á 7/3/2017













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 123639426 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn