Tin tức
Hotline: (84 04) 382 49874      
Hỗ trợ online: Chát với hỗ trợ Online - Yahoo Chát với hỗ trợ Online - Skype  Liên Hệ  Tiếng Anh
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg
http://techmartvietnam.vn/Portals/_default/Skins/NVPortal/Images/xuctien.jpg

Ứng dụng dịch vụ đa phương tiện trên nền mạng WiMax vào Tây Nguyên 4:20 PM,7/21/2015

Bên cạnh một loạt đề tài, nhiệm vụ về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, thuộc chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên", giai đoạn 2011-2015 (Chương trình Tây Nguyên 3), Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng một số dịch vụ đa phương tiện trên nền mạng viễn thông WiMax vào đời sống khu vực Tây Nguyên.

PGS.TS Thái Quang Vinh (nguyên Viện trưởng Công nghệ Thông tin), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN) trong một chuyến công tác vào Tây Nguyên gần đây, dẫn tôi lên một khu nhà bốn, năm tầng ở vị trí trung tâm TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc). Anh đưa tôi vào một căn phòng nơi đặt các máy móc, thiết bị và chỉ vào ống kính camera: "Anh nhìn thử đi". Tôi bước lại gần, và trước mắt tôi là khu vực Ngã sáu, nút giao thông lớn nhất TP Buôn Ma Thuật hiện lên với các loại phương tiện đang nhanh, chậm, ngược xuôi tham gia giao thông.

Rồi PGS Vinh đưa tôi đến một địa điểm ngoại ô TP Buôn Ma Thuột, leo lên sân thượng khu nhà năm tầng để quan sát các số đo về đất, nước, không khí của những lô cao su, cà phê hàng chục năm tuổi cách đó không xa… Đây chỉ là hai trong số các điểm triển khai, thực hiện đề tài trọng điểm cấp Nhà nước "Nghiên cứu phát triển một số dịch vụ đa phương tiện và giám sát các thông số môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WiMax tại khu vực Tây Nguyên" (thuộc chương trình Tây Nguyên 3, giai đoạn 2011-2015).

Gần 30 năm của công cuộc đổi mới, bộ mặt kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đã có những bước tiến đáng kể. Người ta biết đến Tây Nguyên không chỉ là vùng văn hóa phong phú, đa dạng của nhiều dân tộc thiểu số với hàng trăm bộ trường ca nổi tiếng của các dân tộc Ê Đê, Ba Na, Ja Rai, hay nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc. Nơi đây còn là "thủ phủ" của các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cao su và "đất của ngàn hoa" đang ngày càng thu hút khách du lịch.

Tuy nhiên, đánh giá một cách nghiêm túc, cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin (CNTT), lĩnh vực viễn thông nơi đây vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Cho nên, trong số gần 60 đề tài, nhiệm vụ thuộc chương trình Tây Nguyên 3, Viện CNTT đảm nhận chủ trì đề tài "Nghiên cứu phát triển một số dịch vụ đa phương tiện và giám sát các thông số môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WiMax tại khu vực Tây Nguyên".

Theo PGS Thái Quang Vinh, chủ nhiệm đề tài, từ năm 2012, nhóm nghiên cứu đã phối hợp Công ty Cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom (nơi cung cấp thiết bị) đưa công nghệ WiMax vào Tây Nguyên; tạo tiền đề cho việc triển khai, xây dựng các loại hình dịch vụ đa phương tiện trên nền mạng không dây ở địa bàn này. Nhằm mục tiêu xây dựng thử nghiệm cơ sở hạ tầng mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất bằng công nghệ 4G WiMax trên phạm vi khu vực phủ sóng khoảng 10km tại TP Buôn Ma Thuột. Đồng thời, từ đó có thể phát triển hệ tích hợp dịch vụ thoại và hình ảnh không dây trên nền công nghệ VoIP và Camera IP qua mạng WiMax; mở rộng hệ thống dịch vụ thông tin vị trí địa lý LBS và giám sát môi trường trên nền công nghệ bản đồ số và công nghệ Web 2.0; nghiên cứu phát triển hệ đo lường, thu thập số liệu và điều khiển (hệ SCADA) để giám sát môi trường sản xuất và truyền số liệu không dây qua mạng WiMax…

Việc thử nghiệm từ năm 2014 cho thấy, đề tài khoa học và công nghệ này đã cung cấp các dịch vụ ứng dụng cho khu vực thành phố Buôn Ma Thuột như: Dịch vụ internet băng thông rộng WiMax và Wifi; dịch vụ giám sát các thông số môi trường đất, không khí, nước; dịch vụ đa phương tiện video, Conference, Camera IP… Nghĩa là, có các dịch vụ này, các tổ chức cũng như cá nhân khu vực TP Buôn Ma Thuột có thể kết nối internet nhanh gấp nhiều lần so với mạng 3G. Cũng từ đây, có thể triển khai hội nghị trực tuyến giữa các địa bàn khác nhau mà không cần tập trung tại một địa điểm nhất định gây vất vả, tốn kém cho các đại biểu; nhất là có hệ thống Camera IP sẽ hỗ trợ hiệu quả trong công tác giám sát an toàn giao thông, cũng như hoạt động quản lý trong các nhà máy, khu công nghiệp. Hệ thống giám sát môi trường trên nền mạng WiMax cũng sẽ giúp các doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh thường xuyên kiểm tra được độ ẩm trong đất, các chỉ số về độ pH, độ kiềm và các tạp chất trong nước…

Tại buổi tổng kết, nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu phát triển một số dịch vụ đa phương tiện và giám sát các thông số môi trường sản xuất trên nền mạng viễn thông WiMax tại khu vực Tây nguyên" vào cuối tháng 6 vừa qua, GS Nguyễn Bình, thành viên Hội đồng, người trực tiếp thẩm định đề tài cho rằng, kết quả thử nghiệm các dịch vụ đa phương tiện ở TP Buôn Ma Thuột đã đạt được thành công bước đầu trong việc ứng dụng mạng viễn thông băng rộng tốc độ cao với độ phủ sóng hơn 30km (vượt chỉ tiêu dự kiến).

Vấn đề đặt ra, phải có kế hoạch chuyển giao sớm cho địa phương nhằm triển khai ứng dụng kết quả của đề tài; phục vụ thiết thực đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn. Có ý kiến băn khoăn, trong điều kiện lĩnh vực CNTT và viễn thông có sự thay đổi nhanh chóng, sao không áp dụng một loại công nghệ tiên tiến hơn? Theo lộ trình, có thể cuối năm 2015, sang năm 2016, Việt Nam sẽ triển khai dịch vụ mạng LTE (tốc độ nhanh hơn và dĩ nhiên chi phí cũng cao hơn). Nhưng đến thời điểm này, việc thử nghiệm công nghệ LTE ở nước ta vẫn chưa kết thúc; mặt khác, ứng dụng dịch vụ LTE còn phụ thuộc vào chính sách băng tần của mỗi quốc gia; hơn nữa, nhu cầu sử dụng dịch vụ này ở ta, qua khảo sát của ngành chuyên môn, hiện còn hạn hẹp.

Bởi vậy, theo ý kiến các nhà chuyên môn, với điều kiện tự nhiên, cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên hiện nay, thì mô hình về các dịch vụ đa phương tiện và giám sát các thông số môi trường sản xuất trên nền mạng WiMax 4G đối với khu vực Tây Nguyên vẫn phù hợp và phát huy được tác dụng trong thực tế đời sống.

Nguồn: Báo Hà Nội mới

Send Print  Back
The news brought
Mỹ biến thùng rác thành trạm phát WiFi miễn phí 7/17/2015
Công nghệ mới giúp cách mạng hóa màn hình cảm ứng 7/16/2015
Ứng dụng công nghệ thông tin trong an ninh, an toàn và bảo mật dữ liệu 7/9/2015
Kiến bạc Sahara có thể kiểm soát sóng điện từ trong dải quang phổ rất rộng 7/7/2015
Máy in 3D in được vật nhỏ hơn tế bào 7/7/2015
Concept Cyclee: máy chiếu trạng thái đang chạy trên đường của xe đạp 7/7/2015
Phát minh mới giúp con người tàng hình trước đám đông 7/7/2015
Phát minh giúp con người nhìn trong bóng tối 7/7/2015
Camera hoạt động vĩnh viễn 7/7/2015
Tiềm thức con người có thể "nhìn thấy" tương lai 6/30/2015
Khôi phục trí nhớ bằng liệu pháp ánh sáng 6/19/2015
Chip máy tính làm bằng gỗ 6/11/2015
Chip máy tính bán dẫn tự phân hủy sinh học làm từ gỗ 6/1/2015
Biến điện thoại thông minh thành kính hiển vi phát hiện ký sinh trùng 5/25/2015
Cải tiến cấu trúc của anten PIFA cho thiết bị di động 3G 4/23/2015













Trang chủ   |    CN/TB chào bán   |    CN/TB tìm mua   |    Tin tức   |    Giới thiệu   |    Liên hệ Register   |    Login   
Số lượt truy cập: 123558114 Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn