Elecom ra mắt pin sạc natri-ion đầu tiên thế giới

Khi công nghệ pin lithium-ion đang dần chạm tới giới hạn về chi phí và môi trường, Elecom – thương hiệu phần cứng từ Nhật Bản đã tạo nên một bước ngoặt mới với việc ra mắt DE-C55L-9000, sạc dự phòng đầu tiên trên thế giới sử dụng pin natri-ion. Không chỉ bền gấp 5 lần pin thông thường, thiết bị này còn mở ra một tương lai năng lượng sạch, an toàn và dễ tiếp cận hơn.

 

Sạc DE-C55L-9000 với kiểu dáng bo tròn, dung lượng 9.000 mAh, cổng sạc nhanh USB-C 45W và USB-A 18W, cùng hệ thống đèn báo sạc cơ bản. Nhưng ẩn sau lớp vỏ bình thường ấy là một công nghệ mang tính đột phá: pin natri-ion, công nghệ đã được nghiên cứu từ thập niên 1970 nhưng nay mới thực sự bước ra ánh sáng.

Về hiệu năng, DE-C55L-9000 gây ấn tượng mạnh với tuổi thọ lên đến 5.000 chu kỳ sạc tức là có thể sạc mỗi ngày suốt 13 năm mà pin vẫn giữ hiệu suất cao. Đây là con số gấp 5 đến 10 lần pin lithium-ion thông thường, và là minh chứng rõ ràng cho tiềm năng bền bỉ của công nghệ mới. Thêm vào đó, loại pin này hoạt động ổn định trong dải nhiệt độ rộng, từ -34°C đến 50°C, trở thành người bạn đồng hành lý tưởng cho những ai làm việc trong môi trường khắc nghiệt.

Một lợi thế đáng kể khác là độ an toàn cao. Pin natri-ion ít nguy cơ cháy nổ hơn nhờ cấu trúc hóa học ổn định, đồng thời có thể vận chuyển ở trạng thái “zero volt” – không hoạt động, không rủi ro.

Tuy nhiên, thiết bị nặng 350g và mật độ năng lượng của natri-ion hiện vẫn thấp hơn so với lithium nên đây là rào cản lớn khiến công nghệ này chưa thể thay thế hoàn toàn trong các thiết bị đòi hỏi kích thước nhỏ gọn hoặc công suất lớn

Sự hiện diện của DE-C55L-9000 trên thị trường lại là một tín hiệu đáng mừng. Sau nhiều năm nằm trên bàn thí nghiệm, công nghệ natri-ion cuối cùng cũng bước ra thế giới thực và không còn là một lời hứa xa vời. Với khả năng sản xuất bằng dây chuyền gần như tương tự lithium-ion, chi phí rẻ hơn và nguồn nguyên liệu gần như vô tận, natri-ion không chỉ có cơ hội thay đổi ngành lưu trữ năng lượng, mà còn góp phần giảm phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và xây dựng một nền công nghệ phát triển hơn.

Nguồn: New Atlas