Hà Tĩnh: Xây dựng thành công mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời trong nghề sản xuất và chế biến nước mắm
9:18 SA,10/08/2017

Ngày 4/8, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật (KH&KT) Hà Tĩnh (Liên hiệp Hội) đã tổ chức Hội nghị tổng kết dự án "Ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất và chế biến nước mắm ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh".

Năm 2014, được Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (GEF SGP) tài trợ với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, Liên hiệp Hội đã xây dựng và triển khai dự án tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững thông qua ứng dụng tiến bộ KH&CN để nâng cao chất lượng sản phẩm trên cơ sở kinh nghiệm truyền thống.

Sau gần 3 năm thực hiện, dự án đã xây dựng thành công mô hình sản xuất nước mắm thông qua việc sử dụng năng lượng mặt trời, dần đưa hoạt động sản xuất nước mắm vào tập trung. Dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho hơn 500 lượt người về lý thuyết và thực hành kỹ thuật sản xuất nước mắm theo kỹ thuật mới, đồng thời cho ra đời mô hình Hợp tác xã với 20 hộ thành viên tham gia đã thúc đẩy phát triển mô hình liên kết kinh tế tập thể ở địa phương.

Đặc biệt, việc xây dựng thành công 20 mô hình trình diễn, đăng ký mã số mã vạch, công bố chất lượng sản phẩm và xác nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đã tạo ra cơ hội cho các hộ dân phát triển kinh tế gắn với bảo vệ nghề truyền thống. Dự án đã phát huy được ưu thế và kết hợp được truyền thống và kỹ thuật hiện đại để nghiên cứu ứng dụng phù hợp. Việc cải tiến thiết bị kỹ thuật đã cho lượng nhiệt hấp thu tốt hơn, rút ngắn thời gian sản xuất sản phẩm, tăng độ thơm, chi phí phí đầu tư và nhân công giảm so với phương pháp truyền thống… Đây là một hướng sản xuất hạn chế được được mùi nước mắm bốc ra trong quá trình giang phơi, tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên để sản xuất, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, dù áp dụng kỹ thuật, nhưng dự án vẫn phát huy được những đặc trưng riêng và ưu thế tối đa của nước mắm Cẩm Nhượng, đó là mùi vị thơm ngon được kết hợp hài hoà giữa độ tươi ngon của cá với vị mặn nồng vừa đủ của muối biển, sức nóng gây men của ánh nắng mặt trời.

Theo báo cáo tổng kết của dự án, ước tính mỗi mùa vụ mô hình dự án tiêu thụ hơn 20 tấn cá, cho ra thị trường khoảng 10 nghìn lít sản phẩm. Các sản phẩm được kiểm tra thực hiện nghiêm ngặt về quy trình kỹ thuật, an toàn, chín thơm, màu đẹp, cho vị ngon đậm đà, được tiêu thụ rộng rãi.

Đánh giá tại Hội nghị tổng kết, lãnh dạo chính quyền địa phương và các ngành cho rằng, ngoài mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, dự án đã mở ra một hướng đi mới để phát triển kinh tế gắn với bảo tồn nghề truyền thống vốn đã dần mai một tại địa phương. Bên cạnh đó, dự án cũng thúc đẩy việc nâng cao năng lực cho phụ nữ, phát huy năng lực của địa phương trong phát triển cộng đồng.

Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam, ngày 7/8/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn