Tổ hợp ức chế ăn mòn
11:26 SA,09/07/2017
Nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Viện Dầu khí Việt Nam) đã nghiên cứu chế tạo thành công tổ hợp ức chế ăn mòn - chống đóng cặn cho hệ thống thu gom và vận chuyển trong quá trình khai thác dầu khí. Nhóm nghiên cứu đã xác lập được quy trình chế tạo tổ hợp ức chế ăn mòn - chống đóng cặn VPI.CSI, sản phẩm của tổ hợp hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Khi sử dụng trên các hệ thống thu gom và vận chuyển dầu khí ở Việt Nam, hiệu quả chống ăn mòn và chống đóng cặn của tổ hợp VPI.CSI tương đương với các loại hóa phẩm thương mại tương ứng (hiệu quả chống ăn mòn và chống đóng cặn 90%). Sản phẩm có độ ổn định cao, các tính chất hóa lý đặc trưng và hiệu quả chống ăn mòn, chống đóng cặn hầu như không thay đổi sau quá trình lưu mẫu 6 tháng và 12 tháng. Khi sử dụng tổ hợp VPI.CSI với nồng độ 15-20 ppm hầu như không gây ảnh hưởng đến thành phần dầu khí và các tính chất của dầu như nhiệt độ đông đặc, tính lưu biến, khả năng tách nhũ của dầu.

- Vật liệu chống nứt màn hình điện thoại

Các nhà khoa học tại các Trường đại học Queen Belfast, California (Mỹ) và Viện Khoa học vật liệu Nhật Bản đã phát triển một loại vật liệu mới có thể giúp chống nứt - vỡ màn hình dành cho điện thoại. Vật liệu được tạo ra bằng cách phân lớp boron nitride hexagonal (h-BN), graphene và C60, mạnh hơn thép nhưng lại rất nhẹ, có khả năng dẫn điện cao. Khi xếp lớp lên trên, các thuộc tính của ba vật liệu trong suốt này có tác dụng tương trợ lẫn nhau. Tính chất dẫn điện của C60 và graphene được hỗ trợ bởi h-BN, điện trong màn hình sẽ di chuyển cực nhanh. Kết hợp với độ bền của graphene và khả năng sạc pin của C60, làm nó trở thành một loại vật liệu lý tưởng cho màn hình điện thoại. Vật liệu có một số tính chất tương tự như silicone nhưng đã cải thiện sự ổn định hóa học, nhẹ nhàng và linh hoạt, có thể dẫn đến nhiều ứng dụng ngoài việc sử dụng cho màn hình điện thoại thông minh.

- Phát triển thành công các-bon dạng mới

Các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Carnegie, Washington (Mỹ) và Trường đại học Yanshan (Trung Quốc) vừa hợp tác phát triển thành công một dạng các-bon siêu cứng, siêu nhẹ, có tính đàn hồi và dẫn điện cao. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm gia tăng áp suất và đốt nóng vật liệu các-bon thủy tinh - dạng cấu trúc gồm các lớp graphene được sắp xếp ngẫu nhiên. Khi đặt vật liệu này trong môi trường nhân tạo với sức ép lớn gấp khoảng 250 nghìn lần so với áp suất của bầu khí quyển, đồng thời đốt nóng vật liệu ở nhiệt độ cao sẽ tạo ra một loại các-bon siêu mạnh và có tính đàn hồi cao. Vật liệu các-bon mới có các liên kết giống cả graphene và kim cương, có độ bền cao và tính đàn hồi tốt. Nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp tổng hợp này có thể được phát triển để tạo ra nhiều dạng các-bon đặc biệt khác thậm chí là các lớp vật liệu mới hoàn toàn khác biệt.
Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 1/7/2017.

Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 1/7/2017.Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 1/7/2017.Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 1/7/2017.Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 1/7/2017.
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn