Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam tích cực triển khai cam kết về sử dụng năng lượng nguyên tử
8:19 SA,29/03/2012

Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: xuất phát từ quan điểm nhất quán là chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, Việt Nam đã và đang tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả những cam kết của mình về sử dụng năng lượng nguyên tử.
  
                  

      Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp liên quan đến an ninh, an toàn hạt nhân, trong đó có sự cố hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản), làm gia tăng lo ngại quốc tế về an ninh, an toàn hạt nhân, thậm chí là xét lại việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân, Hội nghị là sự kiện chính trị quốc tế quan trọng với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao từ 53 nước, gồm các cường quốc hạt nhân và các nước có nhiều ứng dụng hạt nhân dân sự từ khắp các châu lục và 4 tổ chức quốc tế (Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) nhằm nhìn lại những nỗ lực triển khai các cam kết, khuyến nghị đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ nhất (tháng 4/2010 tại Washington, Hoa Kỳ); xác định phương hướng và thảo luận những biện pháp tăng cường an ninh, an toàn hạt nhân trong tình hình mới.
      Hội nghị đã tập trung thảo luận 3 chủ đề quan trọng đối với an toàn và an ninh hạt nhân là: “Nhìn lại tiến trình đã thực hiện từ Hội nghị Thượng đỉnh 2010 tại Washington”, “Các biện pháp quốc gia và hợp tác quốc tế để tăng cường an ninh hạt nhân và các cam kết tương lai” và “Giao diện an toàn và an ninh hạt nhân”.
      Phát biểu tại Hội nghị, với tư cách nước chủ nhà, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đánh giá cao những tiến bộ mà các nước đã đạt được trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hạt nhân như những minh chứng sống động cho vai trò tập hợp ý chí chính trị của cơ chế Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân; khuyến khích các nước tiếp tục các nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế vì một thế giới an toàn hơn.
      Các nước tham gia Hội nghị đều vui mừng trước những tiến bộ đạt được; đề xuất nhiều biện pháp để thúc đẩy an ninh và an toàn hạt nhân như khuyến khích các nước tham gia các điều ước quốc tế và cơ chế quốc tế về hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ luật pháp trong nước, xây dựng các trung tâm đào tạo và hỗ trợ về an ninh hạt nhân, tăng cường hợp tác quốc tế trên vấn đề này.
       Kết thúc Hội nghị, các nước đã nhất trí thông qua Thông cáo chung thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên 11 vấn đề lớn, gồm: cấu trúc an ninh hạt nhân toàn cầu, vai trò của IAEA, vật liệu hạt nhân, các nguồn phóng xạ, an toàn và an ninh hạt nhân, an ninh vận chuyển, chống buôn lậu, giám định hạt nhân, văn hóa an ninh hạt nhân, an ninh thông tin và hợp tác quốc tế.
       Hội nghị quyết định sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tiếp theo vào năm 2014 tại Hà Lan.

Nguồn: "Bộ KH&CN", 28/34/2012

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn