Kỳ vọng tạo đột phá
4:01 CH,03/07/2017

Dự kiến vào cuối năm nay, Chiến lược Phát triển sở hữu trí tuệ (SHTT) quốc gia Việt Nam sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo chiến lược này đã nhận được sự hợp tác của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO). Đây được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá hiệu quả cho hoạt động bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam.

Chiến lược Phát triển SHTT quốc gia sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn: 2018-2020, 2021-2025, 2026-2030. Mục tiêu cụ thể chiến lược đặt ra đến năm 2030 là đưa hệ thống SHTT trở thành công cụ chủ lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra tài sản trí tuệ, góp phần đáp ứng nhu cầu đối với sản phẩm mới và sáng tạo, đặc biệt là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp.

Theo Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN) Đinh Hữu Phí, thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng hệ thống thể chế tương đối hoàn thiện trong những vấn đề liên quan đến SHTT, gồm luật, nghị định, thông tư. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, SHTT đóng vai trò ngày càng quan trọng. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN xây dựng Chiến lược Phát triển SHTT quốc gia. Chiến lược này đề ra mục tiêu, cách thức, giải pháp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phục vụ cho lĩnh vực SHTT nói riêng.

Để xây dựng chiến lược, vừa qua, Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận hợp tác với WIPO về việc hỗ trợ kỹ thuật. Theo Bản ghi nhớ, quy trình để xây dựng và triển khai Chiến lược SHTT quốc gia của Việt Nam dự kiến gồm 8 bước: Tổ chức hội thảo tư vấn; thành lập nhóm soạn thảo; tiến hành rà soát văn bản; thu thập thông tin; tổ chức các cuộc họp tham vấn; xây dựng bản dự thảo; lấy ý kiến về bản dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành; triển khai chiến lược.

Việc ký kết hợp tác với WIPO có ý nghĩa đối với mối quan hệ hợp tác song phương giữa WIPO và Bộ KH&CN. Qua đó, thiết lập một cơ chế hợp tác chính thức giữa hai bên trong việc triển khai xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia cho Việt Nam, nhằm giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, đồng thời thống nhất với chính sách phát triển và mục tiêu kinh tế chung của quốc gia. Trong quá trình triển khai, hai bên sẽ đưa ra những công việc cụ thể, xây dựng một lộ trình phù hợp để cuối năm 2017 chiến lược sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry bày tỏ ấn tượng về những thành tựu trong đổi mới sáng tạo KH&CN phục vụ phát triển của Việt Nam. Ông nhận định, châu Á đang trở thành nguồn cung cấp chính cho những ý tưởng, giải pháp đổi mới sáng tạo và Việt Nam ngày càng chứng tỏ có một vai trò quan trọng trong khu vực. “Điều mà Việt Nam cần làm là gắn các ý tưởng đổi mới sáng tạo về KH&CN với các mục tiêu trong phát triển kinh tế, để sớm đưa các mục tiêu này trở thành hiện thực.” - ông Francis Gurry - chia sẻ.

Nguồn: Báo Công thương, ngày 29/6/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn