Nhiều rào cản phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
4:41 CH,29/06/2017

Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa tại hội thảo: “Phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả tại Việt Nam” trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2017 do Ban Kinh tế trung ương phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức chiều nay (27/6), tại Hà Nội.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) là xu thế phát triển nông nghiệp trên thế giới, tạo ra những đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất với trình độ công nghệ cao, mô hình quản trị tiên tiến theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản quy mô hàng hóa, mang lại lợi ích kinh tế vượt trội và đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Ngành nông nghiệp xác định phát triển NNUDCNC là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại nông nghiệp. Trong thời gian gần đây đã xuất hiện xu hướng nhiều DN tìm hiểu và đầu tư sản xuất NNUDCNC, đang khẳng định thế mạnh và khả năng cạnh tranh vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm, đang trở thành điểm sáng và là động lực tăng trưởng của nhiều vùng, địa phương trên cả nước.

Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển NNUDCNC, TS Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, mặc dù nguồn vốn dành cho lĩnh vực NNUDCNC có, song thực tế điều kiện để DN tiếp cận được nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quy hoạch khu, vùng NNUDCNC, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, quy hoạch phát triển cây trồng vật nuôi chủ lực trên địa bàn. Thiếu chính sách bảo hiểm nông nghiệp đặc biệt cho NNUDCNC với chi phí đầu tư lớn. Doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ; liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ còn lỏng lẻo.

Ông Lý Hoàng Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho hay, mặc dù đã triển khai được một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển NNUDCNC, tuy nhiên các dự án hầu hết đều có quy mô vừa và nhỏ, do đó tác động đối với xã hội về về ngành, lĩnh vực chưa lớn. Một số khu NNUDCNC đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập nhưng tiến độ triển khai xây dựng rất chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có một số nguyên nhân chính như: thiếu vốn đầu tư; vị trí, quy mô diện tích, các phân khu chức năng khu NNUDCNC vẫn có những sự bất cập. Cũng theo ông Lý Hoàng Tùng với tiến độ xét, cấp như hiện tại, mục tiêu số lượng doanh nghiệp NNUDCNC như đặt ra tại Quyết định số 1895/QĐ-TTg là khó khả thi.

GS.TS Hoàng Ngọc Hòa – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, hiện nay có khoảng hơn 40.000 DN hoạt động ở khu vực nông thôn, chỉ có 1.500 DN ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản làm ăn hiệu quả. Còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thiếu vốn và năng lực cạnh tranh thấp.

Để thúc đẩy phát triển NNUDCNC, ông Hoàng Ngọc Hòa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước để ra chương trình mục tiêu và có cơ chế hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần có những chính sách ưu đãi liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là chính sách thuế, thủ tục hải quan, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp. Đồng thời, ngân hàng nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong tái cấu trúc ngành nông nghiệp nước ta. Nhất là chính sách cho vay vốn đối với các doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông phẩm.

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy nhấn mạnh, để thúc đẩy khuyến khích phát triển NNUDCNC, tạo sự hấp dẫn về cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, cần thực thiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm về rà soát, điều chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch phù hợp với thực tiễn; hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nguồn: Theo Báo Công thương, ngày 27/6/2017.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn