Các yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị: Vốn, kỹ thuật và quản lý
8:50 SA,27/03/2012

Tại hội thảo "Việt - Nhật phát triển đô thị" mới diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cho rằng, để giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vấn đề trước tiên phải tính đến là quy hoạch đô thị, cùng với đó là việc quản lý lượng phương tiện tham gia lưu thông trong đô thị. Đặc biệt, cần xây dựng những đô thị vệ tinh xung quanh đô thị lõi để tránh sức ép cho đô thị lõi...

 

      Theo Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã có hơn 760 đô thị các loại, với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 30%. Theo quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống đô thị quốc gia đến năm 2015, cả nước sẽ có khoảng hơn 870 đô thị các loại, tăng hơn 100 đô thị so với hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có nhiều áp lực từ việc tăng số lượng các đô thị trong một thời gian ngắn. Chẳng hạn, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập; quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch chưa chặt chẽ; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội triển khai chậm, thiếu đồng bộ; môi trường đô thị còn nhiều bức xúc; hiệu quả đầu tư xây dựng còn thấp, ảnh hưởng đến phát triển bền vững và diện mạo đô thị; tình trạng úng ngập, tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra tại các đô thị lớn... Thừa nhận những bất cập xảy ra khi lượng đô thị tăng lên khá nhanh, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương; năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu thực tế; sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị... Ngoài ra, việc quy hoạch, đánh giá phân loại, nâng cấp đô thị chưa coi trọng đến đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị; nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Trước những áp lực đặt ra từ việc tăng nhanh về số lượng đô thị, tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn. Tỷ lệ đất dành cho giao thông đô thị chỉ 13-15% đất xây dựng đô thị (thấp hơn so với yêu cầu là 20-25%), tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% đất xây dựng đô thị (yêu cầu là 3-3,5%). Với thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế và thương mại, đây là một sức ép lớn và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông như hiện nay. Để hạn chế việc ùn tắc giao thông, các chuyên gia nước ngoài tại Hà Nội cho rằng, một trong những giải pháp cần sớm phải thực hiện là phát triển giao thông công cộng và phân tán các chức năng đô thị. Bởi, khi đô thị hóa diễn ra mạnh, thì việc kết nối hạ tầng đồng bộ sẽ rất quan trọng. Do đó, Hà Nội cần quan tâm thỏa đáng đến việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để bảo đảm chất lượng sống cho người dân đô thị.
       Hiện nay, các cấp có thẩm quyền đã có biện pháp hạn chế các tỉnh, thành phố khác xây dựng kiểu đô thị mới hướng đến các dự án bất động sản cao cấp mang tính biểu tượng, thay vì dựa vào chiến lược đô thị hòa nhập có tính đến nhu cầu của thị trường sẽ tạo được tính bền vững trong việc phát triển đô thị. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có liên kết về không gian là cần thiết để duy trì những động lực tăng trưởng kinh tế. Việc quy hoạch hệ thống vận tải công cộng không nên thiết kế thay thế cho xe máy, mà nên là một phần của một hệ thống sẽ kết hợp với xe máy để cạnh tranh về sự thuận tiện và chi phí chung so với ô tô. Tuy nhiên, các chuyên gia của Nhật Bản cho rằng, để xây dựng được đô thị tốt, phải dựa trên 3 yếu tố: Vốn, kỹ thuật và quản lý. Nếu thiếu một trong những yếu tố trên sẽ dẫn đến phát triển đô thị méo mó như đã từng xảy ra.

Nguồn: "HNM online", 22/3/2012

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn