Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính gây độc tế bào Hep-G2 của cây An Xoa (Helicteres hirsuta L.)
4:17 CH,22/06/2017

Ở Việt Nam, cây An Xoa còn gọi là tổ kén cái hay dó lông, cũng được sử dụng nhiều trong việc chữa trị các chứng bệnh về gan. Tuy nhiên, việc sử dụng cây An Xoa chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian và có ít tài liệu nghiên cứu về thành phần hóa học có trong loài cây này.

Nghiên cứu “Khảo sát thành phần hóa học và hoạt tính gây độc tế bào Hep-G2 của cây An Xoa (Helicteres hirsuta L.)” do tác giả Nguyễn Hữu Duyên và Lê Thanh Phước (Khoa Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ) thực hiện nhằm nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của cây An Xoa nhằm góp phần giải thích công dụng chữa bệnh của loài thảo dược này.

Từ cao chiết của cây An Xoa (Helicteres hirsuta L.) thu tại Hòn Sơn thuộc xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, nghiên cứu đã khảo sát hoạt tính gây độc tế bào trên dòng tế bào Hep-G2 (ung thư gan) đối với bốn phân đoạn cao khác nhau: petroleum ether (PE), dichloromethane (DC), ethyl acetate (EA), methanol (MeOH).

Kết quả có hai cao có biểu hiện hoạt tính gây độc với dòng tế bào Hep-G2 (ung thư gan) là cao PE và cao DC. Từ cao DC đã cô lập được 4 hợp chất: stigmasterol, lupeol, apigenin và tiliroside. Cấu trúc hóa học các hợp chất được xác định bằng các phương pháp phổ (1H-NMR, 13C‑NMR, DEPT) kết hợp với so sánh tài liệu tham khảo đã công bố.

Nguồn: Tạp chí Khoa học- trường ĐH Cần Thơ, số 47

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn