Áp dụng kỹ thuật cặp kiểm soát chọn lọc cuống gan trong cắt gan theo phương pháp Tôn Thất Tùng
4:15 CH,22/06/2017

Mất máu và truyền máu trong, sau mổ cắt gan là một trong những yếu tố tiên lượng chính đối với kết quả sau mổ. Nhiều phương pháp kiểm soát mạch máu được đưa ra nhằm giảm lượng máu mất khi cắt gan như cặp toàn bộ cuống gan (thủ thuật Pringle), cặp loại trừ toàn bộ mạch máu gan…

Tuy nhiên, những kỹ thuật này gây thiếu máu toàn bộ gan và ứ máu ruột. Mức độ tổn thương tăng lên nếu thời gian cặp cuống kéo dài và đặc biệt ở bệnh nhân (BN) có bệnh lý gan mạn tính. Henry Bismuth (1982) và Makuuchi (1987) đã đưa ra phương pháp phẫu tích cặp kiểm soát chọn lọc (KSCL) tạm thời tĩnh mạch (TM) cửa và động mạch (ĐM) gan nửa cuống gan (cuống phải hoặc trái) của nửa gan có tổn thương nhằm tránh nguy cơ ứ máu ruột và thiếu máu toàn bộ gan, đặc biệt phần gan để lại. Ngoài ra, Takasaki (1986), Galperin (1989) và Launois (1992) mô tả bao Glisson bọc chung cả ba thành phần: ĐM gan, TM cửa, đường mật khi đi vào nhu mô gan và đề xuất việc KSCL mạch máu vào gan bằng cách tiếp cận cuống Glisson cặp en bloc (chung cả ba thành phần). Ngoài mục đích giảm mất máu khi cắt gan, cặp KSCL cuống gan (nửa gan, phân thùy hoặc hạ phân thùy) còn giúp nhận diện đường cắt gan chính xác, dựa vào ranh giới giữa vùng thiếu máu và không thiếu máu.

Tại Việt Nam, cặp KSCL cuống gan bước đầu được nêu lên trong nghiên cứu của Trịnh Hồng Sơn, Nguyễn Cường Thịnh, Trần Công Duy Long. Tuy nhiên, chưa có tác giả nào nói đầy đủ về vấn đề kỹ thuật của phương pháp này. Các nhà khoa học thuộc BV Hữu nghị Việt Đức tiến hành nghiên cứu này nhằm đưa ra những đặc điểm kỹ thuật của phương pháp cặp KSCL cuống gan trong cắt gan theo phương pháp Tôn Thất Tùng.

Đối tượng và phương pháp: BN có tổn thương u gan (nguyên phát, thứ phát) khu trú ở một phần gan, được cắt gan theo phương pháp Tôn Thất Tùng kết hợp với KSCL cuống gan từ tháng 9 - 2011 đến 5 - 2014 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Kết quả: nghiên cứu gồm 72 BN. Biến đổi ĐM gan thường gặp nhất là ĐM gan trái phụ đến từ ĐM vị trái 12,5%. Huyết khối TM cửa 9,7%, TM cửa phải được nút 23,6%. Phẫu tích cuống Glisson gan phải riêng ĐM gan, TM cửa 40,3%, phẫu tích cuống Glisson gan phải en bloc 15,2%. Phẫu tích cuống Glisson gan trái riêng ĐM gan, TM cửa 18%, phẫu tích ĐM gan, TM cửa trái en bloc 2,8%. Phẫu tích cuống phân thùy sau và thuỳ gan trái lần lượt là 4,2% và 5,6%. KSCL cuống Glisson gan (phải hoặc trái) liên tục 37,5%, KSCL cuống Glisson gan (phải hoặc trái) cách quãng 45,8%. Tai biến rách đường mật 1,4%, chảy máu nhu mô khi phẫu tích en bloc cho 30 BN có tỷ lệ 10%. Thời gian phẫu tích KSCL cuống Glisson 12,5 ± 7,2 phút (nhanh nhất 5 phút, lâu nhất 45 phút). Kết luận: việc nắm vững giải phẫu gan, cuống gan kỹ thuật cặp KSCL cuống gan có thể thực hiện an toàn với tỷ lệ biến chứng thấp, không mất nhiều thời gian. Kỹ thuật giúp làm giảm lượng máu mất trong mổ.

Nguồn: Tạp chí Y – Dược học Quân Sự (số 4 – 2017)

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn