Khảo sát các điều kiện thu hồi dịch chiết và hoạt tính kháng khuẩn, kháng oxy hóa của dịch chiết bắp cải tím (Brassica oleracea
4:05 CH,22/06/2017

Nghiên cứu do tác giả Phạm Ngọc Khôi (trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) và Lê Trọng Nghĩa (Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Tp. HCM) thực hiện nhằm khảo sát hiệu suất thu hồi dịch chiết bắp cải tím với các điều kiện khác nhau, đồng thời khảo sát hoạt tính kháng khuẩn, kháng oxy hóa của dịch chiết bắp cải tím.

Nghiên cứu được thực hiện trên bắp cải tím (nguyên liệu được thu mua ở siêu thị Big C Tô Hiến Thành, Quận 10, TP.HCM và chỉ thu mua một lần duy nhất) được sử dụng như là nguồn nguyên liệu chính để tách dịch chiết và sử dụng dịch chiết đó để khảo sát hoạt tính kháng một số vi khuẩn (các chủng vi khuẩn được cung cấp từ Bộ môn Công nghệ sinh học, khoa Khoa học ứng dụng, trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP. HCM) và đồng thời khảo sát cả tính kháng oxy hóa của dịch chiết.

Kết quả cho thấy, nồng độ cồn chiết 50°; tỉ lệ cồn với mẫu (1:10); nhiệt độ chiết: 30°C; thời gian chiết: 2 giờ cho hiệu suất chiết tách dịch chiết bắp cải tím là cao nhất. Dịch chiết bắp cải tím có khả năng kháng các chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa ở mức trung bình trong điều kiện thí nghiệm. Dịch chiết bắp cải tím có khả năng chống oxy hóa ở mức rất cao (IC50 = 25,786 mg/mL) so với mẫu đối chứng vitamin C (IC50 = 23,374 mg/mL) ở các nồng độ thử nghiệm. Những kết quả trên đã cho thấy dịch chiết từ bắp cải tím có thể được coi là một nguồn tiềm năng sinh học mới để phát triển các loại thực phẩm chức năng hoặc các công thức thuốc sau này.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học Yersin, số 01 năm 2016.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Yersin

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn