Tác dụng của phác đồ FOLRILI trong điều trị ung thư đại trực tràng tại Bệnh viện Quân y 103
3:57 CH,22/06/2017

Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm triệu chứng thường không điển hình: có thể đau bụng mơ hồ, không rõ vị trí đau hoặc đau dọc theo khung đại tràng, rối loạn đại tiện (táo lỏng thất thường), phân có thể có nhày máu, gày sút cân...

Ở Việt Nam, nhiều trường hợp ung thư đại trực tràng (UTĐTT) đến khám khi đã có triệu chứng rõ ràng như sờ thấy khối u ở bụng, đại tiện ra máu, đau bụng, gày sút cân, có hạch ngoại vi, hoặc đã có biến chứng như tắc ruột, thủng đại tràng gây viêm phúc mạc, di căn xa. Một trong số các nguyên nhân là do hiểu biết của người dân về triệu chứng bệnh còn hạn chế, điều kiện kinh tế xã hội thấp, hệ thống y tế dự phòng chưa đáp ứng được...

Do vậy, chẩn đoán UTĐTT thường muộn, ảnh hưởng đến phương pháp điều trị, thời gian sống còn, chất lượng cuộc sống của BN. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính, các biện pháp hóa trị, xạ trị, điều trị đích, miễn dịch liệu pháp rất cần thiết trong điều trị UTĐTT sau phẫu thuật. Trong nghiên cứu này, BN được chọn là những trường hợp chẩn đoán UTĐTT ở giai đoạn Dukes B, C và D được phẫu thuật, sau đó điều trịbổ trợ hóa chất theo phác đồ FOLFIRI. Theo khuyến cáo của NCCN (National Comprehensive Cancer Network), phác đồ FOLFIRI là phác đồ chuẩn và ưu tiên hàng đầu trong điều trị UTĐTT giai đoạn muộn, có di căn. Nguyễn Văn Bằng - BV Quân y 103 thực hiện nghiên cứu nhằm mục tiêu: Đánh giá tác dụng phác đồ FOLFIRI điều trị UTĐTT tại Bệnh viện Quân y 103.

Mục tiêu nghiên cứu nhằm đánh giá tác dụng phác đồ FOLFIRI điều trị UTĐTT sau phẫu thuật tại Bệnh viện Quân y 103. Đối tượng và phương pháp: 31 bệnh nhân (BN) chẩn đoán xác định UTĐTT (5 BN giai đoạn Dukes B, 11 BN giai đoạn Dukes C, 15 BN giai đoạn Dukes D); có hồ sơ bệnh án đầy đủ; hợp tác, đồng ý tham gia nghiên cứu; tuổi ≥ 18; được phẫu thuật sau đó điều trị hóa chất bổ trợ theo phác đồ FOLFIRI; đánh giá tác dụng phác đồ FOLFIRI: chất lượng cuộc sống, nồng độ CEA, CA 19-9, tình trạng thiếu máu của BN. Kết quả: 28 BN điều trị đủ 12 liệu trình (1 BN tử vong khi điều trị liệu trình 4, 2 BN điều trị liệu trình 9); chất lượng cuộc sống BN sau điều trị hóa chất: tốt (sau 3 liệu trình: 38,7%; sau 12 liệu trình: 64,3%), trung bình (sau 3 liệu trình: 48,4%; sau 12 liệu trình: 32,1%), kém (sau 3 liệu trình: 12,9%, sau 12 liệu trình: 3,6%); BN có tăng CEA, CA 19-9 máu trước điều trị (16,1%; 9,7%), sau 12 liệu trình tỷ lệ BN tăng CEA, CA 19-9 là 3,6%; BN có thiếu máu: sau 3 liệu trình là 29,0%, sau 12 liệu trình thiếu máu giảm xuống còn 14,3%. Kết luận: chất lượng cuộc sống BN được nâng lên sau điều trị hóa chất.

Nguồn: Tạp chí Y – Dược học Quân Sự (số 4 – 2017)

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn