Nghiên cứu giá trị kỹ thuật siêu âm đàn hồi mô trong chẩn đoán ung thư tuyến giáp
3:57 CH,22/06/2017

Bướu giáp thể nhân là bệnh lý nội tiết thường gặp, đứng thứ hai sau bệnh đái tháo đường. Tần suất bướu giáp thể nhân phát hiện được qua thăm khám lâm sàng chiếm khoảng 4 - 7%.

Tuy nhiên, với sự phát triển của siêu âm, tần suất nhân tuyến giáp được phát hiện qua siêu âm có thể lên đến 19 - 67%. > 90% bướu giáp thể nhân là u xơ tuyến lành tính và nang là tình trạng thoái hóa nang trong nhân lành tính, chỉ 5 - 10% là nhân ác tính. Do đó, cần phát hiện và điều trị phẫu thuật sớm bệnh nhân có nhân ác tính hay có dấu hiệu chèn ép rõ, đồng thời tầm soát bệnh nhân bướu giáp thể nhân lành tính, theo dõi định kỳ, không cần thiết phải chẩn đoán mô bệnh học.

Cho đến nay, siêu âm vẫn là phương tiện chính để khảo sát hình ảnh bệnh lý tuyến giáp. Tuy nhiên, với một khối u tuyến giáp đã được chẩn đoán, việc chỉ định chọc hút chẩn đoán tế bào còn khá rộng. Điều này làm gia tăng tỷ lệ sinh thiết âm tính, gây tốn kém và quan trọng nhất là để lại sang chấn tâm lý cho người bệnh. Để có cơ sở theo dõi định kỳ mà không cần thiết phải chọc hút tế bào, gần đây một số nhà nghiên cứu đã đưa vào ứng dụng kỹ thuật mới - kỹ thuật siêu âm đàn hồi mô (Elastography). Kỹ thuật này cho phép đánh giá đặc tính sinh học của các mô cơ thể dựa trên nguyên lý: khi tác động một lực lên mô cơ thể, sẽ gây ra biến dạng hoặc dịch chuyển của mô đó. Mô bình thường (mềm) biến dạng nhiều hơn, nhưng ít dịch chuyển hơn, trong khi mô bệnh lý cứng, ít biến dạng và dịch chuyển nhiều hơn. Độ cứng của mô được tính từ biến dạng và dịch chuyển tương ứng đó.

Việc nghiên cứu đánh giá hiệu quả của siêu âm đàn hồi mô trong khảo sát tổn thương khu trú nói chung và bệnh lý u tuyến giáp nói riêng ở nước ta cho đến nay chưa nhiều. Để góp phần vào nghiên cứu giá trị và khẳng định thêm vai trò của kỹ thuật siêu âm đàn hồi mô, tiến đến áp dụng trong thực hành siêu âm tuyến giáp hàng ngày tại bệnh viện. Các nhà khoa học thuộc BV Quân y 103 thực hiện nghiên cứu này nhằm đánh giá một số đặc điểm lâm sàng, siêu âm 2D và siêu âm đàn hồi mô của khối u tuyến giáp, giá trị của siêu âm đàn hồi mô trong chẩn đoán khối u ác tính tuyến giáp.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm mô tả một số đặc điểm lâm sàng, siêu âm 2D và siêu âm đàn hồi mô của khối u tuyến giáp, từ đó đưa ra chẩn đoán khối u lành tính hay ác tính trên siêu âm. Đối tượng và phương pháp: 72 bệnh nhân  bướu giáp thể nhân được khám lâm sàng, siêu âm 2D, siêu âm đàn hồi mô, đánh giá định tính độ cứng của khối u tuyến giáp theo thang điểm màu của Asteria (2008) từ ES1 - ES4, tính chỉ số đàn hồi của khối u (E2), của nhu mô lành (E1) và tỷ lệ đàn hồi (SR = Strain ratio): SR = E2/E1, so sánh với kết quả xét nghiệm tế bào. Kết quả: độ tuổi trung bình của nhóm nghiên cứu: 47,31 ± 12,91; nữ chiếm đa số (94,4%). Trên siêu âm 2D, các dấu hiệu nghi ung thư như đường bờ không đều (50%); đường kính trước sau > đường kính ngang (11,1%); vi vôi hóa (13,9%). Trên siêu âm đàn hồi, 45,8% BN có mẫu màu ES3 và ES4; tỷ lệ SR: 2,51 ± 1,18. So sánh với kết quả giải phẫu bệnh sau mổ (SR ≥ 2,5) thu được độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Kết luận: đánh giá định tính độ đàn hồi của khối u tuyến giáp thông qua bản đồ màu kết hợp với tỷ lệ đàn hồi (SR ≥ 2,5) cho kết quả chính xác hơn độ cứng của khối u, từ đó làm căn cứ đánh giá mức độ ác tính của khối u tuyến giáp.

Nguồn: Tạp chí Y – Dược học Quân Sự (số 4 – 2017)

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn