Nghiên cứu xác định căn nguyên vi khuẩn và mức độ kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn ở bệnh nhân thở máy có viêm phổi
2:49 CH,22/06/2017

Nhiễm khuẩn phổi liên quan đến thở máy chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nhiễm khuẩn bệnh viện. Viêm phổi do thở máy là một trong các biến chứng thường gặp, chiếm 25 - 50% bệnh nhân (BN) thở máy.

Viêm phổi do thở máy làm tăng thời gian nằm viện, tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị. Căn nguyên gây viêm phổi liên quan thở máy không giống nhau, phụ thuộc vào từng trung tâm hồi sức, từng vùng và từng quốc gia, khu vực lãnh thổ. Việc lựa chọn kháng sinh (KS) ban đầu theo kinh nghiệm hợp lý đã cứu được nhiều BN, liệu pháp KS không thích hợp làm tăng tỷ lệ vi khuẩn (VK) kháng thuốc và tăng nguy cơ cho người bệnh. Việc lựa chọn KS không những dựa trên hướng dẫn điều trị của các Hiệp, Hội mà còn dựa vào căn nguyên VK của từng khoa, bệnh viện khác nhau. Vì vậy, đề tài được Đỗ Minh Thái (BV ĐK tỉnh Thanh Hóa) và Trần Đắc Tiệp (Bệnh viện Quân y 103) thực hiện nhằm xác định căn nguyên VK và mức độ kháng KS của các chủng VK gây viêm phổi ở BN thở máy.

Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu tiến cứu, mô tả trên 60 BN thở máy tại Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa từ tháng 12 - 2014 đến 8 - 2015. Kết quả: căn nguyên gây viêm phổi liên quan thở máy chủ yếu là VK Gram âm (73,7%), trong đó K. pneumonia 42,1%; P. aeruginosa 15,8%, A. baumannii 13,2% và E. coli 2,6%. Với VK Gram dương (26,3%), trong đó S. aureus 18,4% và S. Pneumoniae 7,9%. Các chủng VK phân lập được có tỷ lệ đề kháng cao với một số KS. VK Gram âm kháng KS rất cao, chỉ còn nhạy cảm với amikacin, carbapenem, colistin và piperacillin/tazobactam. VK Gram dương kháng hầu hết với KS thông dụng như: ampicillin/sulbactam, penicillin, tobramycine, ceftriaxone nhưng vẫn nhạy cảm > 85% với amikacin và vancomycin. Chưa thấy chủng nào kháng imipenem và meropenem. Kết luận: VK gây viêm phổi ở BN thở máy chủ yếu là Gram âm. Các VK có tỷ lệ kháng thuốc rất cao. VK Gram âm còn nhạy cảm với amikacin, carbapenem, colistin và piperacillin/tazobactam. VK Gram dương còn nhạy cảm amikacin và vancomycin. Chưa thấy chủng nào kháng imipenem và meropenem.

Nguồn: Tạp chí Y – Dược học Quân Sự (số 4 – 2017)

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn