Nghiên cứu đánh giá quá trình phục hồi của người bệnh có chấn thương vai bằng máy gia tốc kế
10:38 SA,22/06/2017

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Xuân Hưng, Liesbeth Bruckers, Annick Timmermans thuộc Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Khoa học Công nghệ, Đại học Hasselt, Vương quốc Bỉ thực hiện nhằm nhằm đánh giá quá trình phục hồi của người bệnh có chấn thương vai bằng máy gia tốc kế thông qua việc sử dụng dữ liệu từ các máy kết hợp các yếu tố lâm sàng để đo lường sự thay đổi trong vận động của người bệnh qua thời gian, từ đó đưa ra đánh giá về quá trình phục hồi.

Khớp bả vai là khớp duy nhất của cơ thể người có thể vận động theo 360 độ. Tuy nhiên, khớp bả vai cũng rất dễ chấn thương do nhiều nguyên nhân như chấn thương cơ, sai khớp, thoái hóa. Do đó, dù ở bất kì lứa tuổi nào cũng có nguy cơ bị chấn thương ở vai hoặc hạn chế vận động vùng bả vai. Chẩn đoán chấn thương ở vai được xác định do yếu tố bên trong hoặc do tác động từ bên ngoài. Chấn thương do tác động từ bên ngoài bao gồm vận động thể thao, tai nạn hoặc do vận động mạnh dẫn đến gẫy xương, sai khớp, chấn thương do yếu tố từ bên trong như hội chứng chèn ép, viêm co rút khớp vai, thoái hóa khớp .

Một nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ mắc chấn thương vai vào khoảng 6,9% đến 26%. 18,6% đến 31% trong số đó đã không thể vận động được vai trong 1 tháng và khoảng 4,7% đến 46,7% không vận động được vai trong 1 năm. Khoảng 22% đến 68% tiếp tục có những vấn đề về vai sau hơn 12 tháng kể từ lần điều trị đầu tiên. Cũng theo kết quả nghiên cứu được tiến hành tại Bỉ, các bài tập trị liệu được sử dụng rộng rãi trong điều trị hội chứng chèn ép như hội chứng cung đau, hội chứng gai, chấn thương bả vai của các vận động viên bơi lội và các vận động viên ném lao. Các bài tập trị liệu này được xác nhận có thể giảm sự co cứng cũng như các chấn thương, thúc đẩy sự vận động khớp xương và phòng ngừa phù do tắc mạch bạch huyết. Ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, việc ghi hình các bài tập hướng dẫn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả can thiệp y học, có thể kể đến như phục hồi chấn thương não, giảm lo âu trước phẫu thuật và giảm nguy cơ tim mạch. Công nghệ tiên tiến này được đánh giá mang lại nhiều sự thoải mãi hơn phương pháp điều trị truyền thống. Tuy nhiên, hiệu quả của việc điều trị phục hồi chấn thương dựa vào các bài hướng dẫn đã được ghi hình không dễ để đánh giá. Nguyên nhân chính là do người bệnh không tuân thủ giáo án tự điều trị tại nhà, họ có thể dừng tập luyện ngay khi cảm thấy nghi ngờ về hiệu quả phục hồi hoặc vì những lý do cá nhân. Hiện nay với sự phát triển công nghệ, gia tốc kế được thu nhỏ, có khả năng chống nước và đo được dữ liệu chuyển động trên 3 trục. Ngoài ra số liệu từ thiết bị có thể dễ dàng trích xuất để tiến hành phân tích với nhiều lựa chọn. Dựa vào những tính năng ưu việt của gia tốc kế, nhóm nghiên cứu muốn kết hợp dữ liệu đồng thời từ ba máy đô gia tốc được gắn tại 2 tay và eo của người bệnh có chấn thương vai để đánh giá sự phục hồi thông qua các bài tập.

Dựa trên kết quả của quá trình mô tả, phân tích số liệu với biến số quan tâm là tỷ lệ vận động so với không vận động được tính toán dựa trên giá trị đo lường chuyển động thu được từ máy đo gia tốc để đánh giá phục hồi của người bệnh, kết quả cho thấy tính khả thi khi sử dụng thiết bị đo gia tốc để đo lường việc điều trị của người bệnh trong quá trình phục hồi chấn thương vai.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Y học

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn