Nghiên cứu hiệu quả của phương pháp điện châm và cấy chỉ Catgut trong điều trị đâu vai gáy do thoái hóa đốt sống cổ
10:36 SA,22/06/2017

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Tuyết Trang, Đỗ Thị Phương Khoa Y học Cổ truyền - trường Đại học Y Hà Nội thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả, tính an toàn của phương pháp điện châm và cấy chỉ catgut vào huyệt trong điều trị đau vai gáy do thoái hoá cột sống cổ.

Thoái hóa khớp (còn gọi là hư khớp) là bệnh đặc trưng bởi các rối loạn về cấu trúc và chức năng của một hoặc nhiều khớp (và cột sống). 16,83% số bệnh nhân đau cột sống do thoái hóa. Thoái hóa cột sống cổ gây ra do thoái hóa không đặc hiệu của cơ, gân, khớp, xương của cột sống cổ và xương bả vai. Đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ là triệu chứng thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh nhân khó chịu phải đi khám. Đau vai gáy gặp ở khoảng 10,4 đến 21,3% những người có nguy cơ cao (làm việc văn phòng và máy tính) đa phần do thoái hóa cột sống cổ. Hiện nay điều trị thoái hóa cột sống cổ chủ yếu là điều trị nội khoa kết hợp phục hồi chức năng và vật lý trị liệu.

Theo kết quả nghiên cứu, tuổi trung bình của các bệnh nhân đau vai gáy do thoái hóa cột sống cổ là 61,9 ± 9,4 tuổi. Trong đó, bệnh nhân lớn hơn 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất 53,3% ở cả hai nhóm. Kết quả này phù hợp với kết quả của một số nghiên cứu trong nước. Tỷ lệ nam/nữ xấp xỉ 1/2. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh từ 1 - 3 tháng cao nhất. Bệnh nhân trong nghiên cứu đã có hình ảnh thoái hóa cột sống cổ trên phim X quang, diễn biến bệnh thường kéo dài, mạn tính.

Cấy chỉ thông qua cơ chế thần kinh và thể dịch tương tự như châm cứu mang lại hiệu quả giảm đau cho bệnh nhân. Người ta đã chứng minh được rằng có sự tăng β- endorphin, encephalin, serotonin và endomorphin-1 trong não và trong huyết tương trong quá trình châm cứu. Các chất này tham gia vào hệ thống giảm đau (anagelsia system) và điều biến miễn dịch làm tăng interleukin – 2, interferon γ… tác dụng giảm đau, chống trầm cảm, lo âu, tạo sự dễ chịu, cân bằng vận động. Định lượng được các chất này ở bệnh nhân nhóm cấy chỉ là điều cần thiết nhưng trong phạm vi nghiên cứu này chúng tôi chưa có đủ khả năng thực hiện được. Theo y học cổ truyền, “Thống tắc bất thông” có nghĩa là đau do hiện tượng khí huyết, kinh lạc bị ứ trệ không thông. Châm cứu và cấy chỉ vào huyệt làm khai thông khí huyết, kinh lạc, giải cơ, khí huyết được thông suốt nên làm giảm đau.

Cấy chỉ catgut làm thay đổi sinh hóa bên trong, sự đồng hóa tăng cao, giảm dị hóa, tăng protein và hydratcarbon ở cơ, giảm acidlactic làm giảm đau mỏi, giảm phân giải acid từ cơ từ đó tăng chuyển hóa và dinh dưỡng cơ. Thông qua quan sát đối chiếu, sau khi cấy chỉ lưới mao mạch tăng, huyết quản tăng sinh, lượng máu lưu thông tăng nhiều, tuần hoàn máu được cải thiện ở vùng chi khiến vùng này có dinh dưỡng tốt hơn, sợi cơ tăng nhiều tạo thành bó giúp vận động dễ dàng hơn.

Cấy chỉ đã góp phần mang lại hiệu quả về mặt chi phí y tế. Do không phải đi lại nhiều lần, bệnh nhân không phải nằm nội trú tại bệnh viện nên lợi ích mang lại không chỉ cho cá nhân mà còn giảm gánh nặng cho ngành y tế đặc biệt mang lại lợi ích đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.  

Nguồn: Theo Tạp chí Nghiên cứu Y học

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn