Mô hình trồng sắn lấy hạt
3:06 CH,24/04/2017

Anh Nguyễn Văn Đạt ở ấp An Hòa, xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách - Sóc Trăng có 6 công đất ruộng, thay vì trồng sắn (củ đậu) lấy củ, anh lại trồng lấy hạt để bán hạt giống, hiệu quả kinh tế gấp đôi trồng lấy củ.

Theo anh Đạt, giá củ sắn hiện nay rất bấp bênh, những năm được mùa lại mất giá nên từ 3 năm nay anh đã chuyển sang trồng sắn lấy hạt, năm nào thu nhập cũng ổn định. Trồng củ sắn lấy hạt rất nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư ít. Đợi khi nào trái già bẻ xuống lấy hạt, phơi khô là sẽ có người đến hỏi mua, đầu ra rất ổn định. Hiện nay, nơi trồng sắn nhiều nhất là xã Lục Sĩ Thành (Trà Ôn - Vĩnh Long), Cù Lao Dung (Sóc Trăng)…

Trồng sắn lấy hạt tuy dễ trồng nhưng muốn cho sai trái, hạt nhiều, hạt to và chất lượng tốt, người trồng cũng phải áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm đất, đắp mô cho đến khâu làm giàn leo, quan trọng nhất là phân, nước phải đầy đủ và theo dõi sâu bệnh để kịp thời xử lý.

Thời gian trồng sắn lấy hạt mất 4 - 5 tháng kể từ khi gieo hạt. Mỗi công, anh xuống giống 1.000 củ, nếu trúng sẽ được 150 lít hạt. Với 6 công đất, mỗi vụ anh thu hoạch được 900 lít hạt, giá bán hiện nay là 120.000 đồng/lít, thu nhập bình quân 100 triệu đồng. Trừ hết các chi phí như mua tràm làm giàn, phân thuốc, anh còn lời 80 triệu đồng.

Hết mùa sắn anh lại trồng các loại hoa màu khác, năm sau lại tiếp tục trồng sắn, nhờ vậy mà quanh năm đều có thu nhập ổn định.

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn