Gian nan giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch
9:59 SA,24/12/2016

Bảo quản nông sản sau thu hoạch là khâu quan trọng trong quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ xuất khẩu. Nhưng hiện nay, việc ứng dụng các công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn gặp nhiều khó khăn.

Nhu cầu bức thiết

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS-TS Lê Đức Mạnh - Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là nước nông nghiệp nên việc phát triển công nghệ bảo quản sau thu hoạch vô cùng quan trọng. Làm tốt việc này mới gia tăng giá trị của các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là việc cần làm ngay, bởi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của chúng ta rất lớn.

Ông Nguyễn Duy Đức - Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho hay, tổn thất sau thu hoạch hiện rất cao, từ 25% - 30% đối với rau, quả, với lúa gạo xấp xỉ 14%... Sở dĩ thất thoát sau thu hoạch còn quá cao là do thời gian qua nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm đến vấn đề này. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch chưa được chú trọng, thiếu hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất cao, được người tiêu dùng các nước ưa chuộng, do đó cần phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để hỗ trợ nông dân. Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất lúa gạo xuống mức 5 - 6% sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6%.

Khó áp dụng công nghệ mới

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2016 của Bộ KH&CN, ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế, kỹ thuật chia sẻ: “Hiện đã có 1 số hoạt động nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch trong bảo quản lúa gạo, chế biến nông sản. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khi triển khai ra ngoài thực tiễn với điều kiện canh tác theo quy mô nhỏ, thiếu quy hoạch như hiện nay thì việc ứng dụng công nghệ khá khó khăn. Chỉ có những mô hình canh tác theo quy mô lớn mới áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản một cách thông minh”.

Thực tế, đã có một số nơi đang áp dụng những công nghệ bảo quản nông sản như: Công nghệ chiếu xạ, công nghệ CAS, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ... Tuy nhiên, những công nghệ hiện đại này mới chỉ là số ít và thực hiện lẻ tẻ tại một số địa phương. Các sản phẩm nông sản chủ lực sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được người dân xuất bán ngay, số còn lại chủ yếu vẫn được bảo quản sơ sài theo phương pháp truyền thống như thu hoạch xong đóng bao bán ngay hay phơi khô đựng vào bao chứa trong nhà…

“Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới Bộ KH&CN sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương đẩy mạnh và đưa ra các chương trình công nghệ sinh học trong chế biến sản phẩm nông nghiệp”, ông Hậu nhấn mạnh.

PGS-TS Lê Đức Mạnh cho rằng, thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã nghiên cứu thành công một số công nghệ bảo quản sau thu hoạch như hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo, công nghệ sản xuất surimi… giúp tỷ lệ hao hụt giảm, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ổn định hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế của chúng ta chưa tốt, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp trong nước tích cực tiếp cận công nghệ nội sinh mà muốn mua công nghệ nước ngoài. Bên cạnh đó, chúng ta có tư tưởng sản xuất nhỏ, không chú trọng đổi mới công nghệ dẫn đến sự chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Nguồn: Báo Công thương

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn