Sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ 2006: “Bộ lọc” ngăn công nghệ lạc hậu
9:50 SA,24/12/2016

Cần xây dựng những quy định chặt để có “bộ lọc” tốt ngăn công nghệ lạc hậu, không chấp nhận đánh đổi ô nhiễm để lấy tăng trưởng. Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia khi đánh giá thực trạng về tình hình thực thi Luật Chuyển giao công nghệ 2006 trong các doanh nghiệp.

Theo đánh giá, thực trạng về tình hình thực thi Luật Chuyển giao công nghệ 2006 cho thấy vẫn còn bất cập. Chẳng hạn, theo quy định, với những hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên, các bên phải tiến hành đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc đăng ký chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ vẫn còn mang tính tự nguyện, dẫn đến việc doanh nghiệp thích thì đăng ký, không thì thôi, không bị xử lý. Theo thống kê, phần lớn số đăng ký chứng nhận chuyển giao là từ các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước chưa mặn mà lắm với quy định này.

Ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - cho rằng, chủ trương giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao công nghệ, mua bán công nghệ cũng phải bảo đảm theo quy định của pháp luật và bảo đảm sự phát triển bền vững. Do vậy cần phải có hệ thống quản lý, giám sát bảo đảm sự minh bạch, nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời ngăn chặn tình trạng chuyển giá qua hoạt động chuyển giao công nghệ.

Với tinh thần đó, Bộ KH&CN đang soạn thảo Dự thảo sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ 2006. Theo đó, việc soạn thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi được nghiên cứu, xây dựng theo tinh thần đánh giá những tồn tại của Luật hiện hành và đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn công nghệ lạc hậu cũng như tình trạng chuyển giá thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước.

Tại hội thảo mới đây do Bộ KH&CN tổ chức, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã phát biểu góp ý cụ thể từng điều, khái niệm và đánh giá cao tinh thần đổi mới của dự thảo Luật. Nhiều ý kiến cho rằng, cần xây dựng những quy định chặt để có “bộ lọc” tốt ngăn công nghệ lạc hậu, không chấp nhận đánh đổi ô nhiễm để lấy tăng trưởng.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cho rằng có được bản dự thảo Luật hoàn thiện đến thời điểm này là kết quả trí tuệ tập thể của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp trong suốt thời gian qua đã đồng hành, chia sẻ cùng cơ quan soạn thảo để tháo gỡ, điều chỉnh những điểm hạn chế từ luật cũ cũng như đưa ra những góp ý xây dựng Luật sửa đổi hướng tới quản lý tối ưu việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, khuyến khích thúc đẩy đổi mới công nghệ.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, tinh thần của Luật sửa đổi hướng tới thúc đẩy thị trường công nghệ, hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp có thể ứng dụng và đổi mới công nghệ; đưa nhanh nhất kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thông qua việc công bố, đánh giá sản phẩm có thể thương mại hóa được để doanh nghiệp có thể tiếp nhận được công nghệ, với những công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sẽ có những quy định kiểm soát chặt.
Nguồn: Báo Công thương

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn