Ứng dụng công nghệ cao nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt
6:14 CH,23/12/2016

Là một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản hiện nay nhưng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Bởi thế việc ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới nhằm gia tăng giá trị, nâng sức cạnh tranh được đặt ra vô cùng cấp bách.

Đó cũng là lý do để tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt” diễn ra chiều 7/10 tại Hà Nội.

Đa phần ý kiến tại hội thảo đều thống nhất việc Việt Nam có năng lực cạnh tranh quốc gia mạnh trong hoạt động sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Điều này thể hiện ở vị trí dẫn đầu của Việt Nam ở nhiều mặt hàng khác nhau. Mỗi năm chúng ta xuất khẩu hơn 30 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thuỷ sản.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong xuất khẩu hàng nông sản nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều… hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này cho thấy, giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản nước ta vẫn còn rất thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao so với các đối thủ khác trên thị trường.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu vẫn còn thấp. Đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đều dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị thu được chưa cao. Chất lượng của hàng nông sản thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường. Còn rất nhiều nguyên nhân khác được phân tích và nêu ra tại hội thảo. 

Việc quan trọng cần làm lúc này là tìm mọi cách để nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản Việt. Theo đó, một trong các biện pháp hết sức cấp thiết là đẩy nhanh và mạnh ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao.

TS Nguyễn Thanh Mỹ - Tổng giám đốc Rynan Agrifood s- Chủ tịch của LBC Mekong đã chỉ ra một số công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại nên sớm ứng dụng trên diện rộng như: sử dụng phân bón thông minh; ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và internet vạn vật trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản để theo dõi chất lượng đất, nước, phân bón nhằm mục đích quản lý, phân phối và giảm khí nhà kính hiệu quả hơn; ứng dụng công nghệ đóng gói bao bì cải tiến (MAP) và khí cải tiến cân bằng (EMAP) để giảm lượng hư hỏng nông sản, thực phẩm; giảm tầng lớp trung gian, phát triển thương mại điện tử và hệ thống bán hàng tự động để phân phối nông sản và thực phẩm; ứng dụng internet và thiết bị di động để truy xuất nguồn gốc, chống giả, thông tin sản phẩm và thanh toán trực tuyến…

GS.TS Nguyễn Quốc Vọng- Đại học RMIT (Úc) -  chia sẻ, công nghệ cao trong nông nghiệp không nhất thiết phải là công nghệ tiên tiến nhất, mắc tiền nhất hay nổi tiếng nhất mà là công nghệ mang lại chất lượng tốt nhất, an toàn nhất với giá rẻ nhất để thỏa mãn yêu cầu của thị trường. Do đó, theo GS.TS Vọng, nền nông nghiệp trong nước cần tập trung triển khai hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, sản xuất, thu hoạch, vận chuyển tiến tới các khâu an toàn sau thu hoạch (bao bì, bảo quản) rồi tiêu thụ…
Nguồn: Báo Công thương

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn