Liên kết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
6:11 CH,23/12/2016

TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiên phong về phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), góp phần tái cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Thành phố cũng đang hình thành các vùng liên kết nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các tỉnh thành để tận dụng lợi thế, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.  

Trên diện tích 88 nghìn ha, đến nay khu NNCNC TP.Hồ Chí Minh đã thu hút được 14 DN đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 340 tỷ đồng. Các DN tập trung vào những lĩnh vực như công nghệ sinh học nông nghiệp, canh tác không sử dụng đất, sản xuất giống, bảo quản chế biến, hoa cây cảnh, nấm ăn, nấm dược liệu... Nhiều công nghệ hiện đại trong sản xuất và chế biến đang được các DN sử dụng như trồng cây trong nhà màng, nhà kính, tưới và bón phân tự động bằng hệ thống tưới nhỏ giọt; công nghệ vi sinh, công nghệ tế bào thực vật, sinh học phân tử ứng dụng; sử dụng chiếu xạ, hơi nóng xử lý trái cây sau thu hoạch...

Đặc biệt, sau một thời gian thử nghiệm, khu NNCNC đã triển khai thành công dự án hệ thống quản lý nông nghiệp công nghệ cao SmartAgri với chức năng chính của hệ thống bao gồm tự động hóa quy trình quản lý trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản, hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ. Thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lên kế hoạch sản xuất…

TP. Hồ Chí Minh cũng đang tiếp tục đầu tư dự án xây dựng khu chăn nuôi công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) và dự án xây dựng khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại xã Long Hòa (huyện Cần Giờ) nhằm tạo ra các vùng nông nghiệp chuyên biệt cho thành phố. Song song đó, khu NNCNC và ngành nông nghiệp các tỉnh Phú Yên, An Giang, Vĩnh Long đã ký kết thỏa thuận hợp tác, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại các địa phương, qua đó tạo ra vùng liên kết sản xuất nông nghiệp, tránh chồng lấn sản phẩm nông nghiệp và gia tăng giá trị nông sản.

Việc hình thành những chuỗi liên kết trong phát triển NNCNC sẽ giúp các tỉnh thành chưa có cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đầy đủ có thể tận dụng lợi thế về hạ tầng của các khu NNCNC đã hình thành sẵn đặc biệt ở TP. Hồ Chí Minh. Thay vì đầu tư phòng thí nghiệm hàng trăm tỷ ở từng khu thì có thể gửi những đề tài nghiên cứu qua phòng thí nghiệm có sẵn. Nhờ vậy, kết quả cuối cùng vẫn thu được mà không phải bỏ nhiều chi phí đầu tư.

Ngoài ra, nhiều ứng dụng khác cũng đang được áp dụng trong sản xuất, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, bảo quản sau thu hoạch cho đến quản lý. Đến nay, đã có 18.000 lượt nông dân TP. Hồ Chí Minh được tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGap (thực hành nông nghiệp tốt); nâng chất lượng hoạt động của 64 hợp tác xã và 175 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc đẩy mạnh các ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp có thể tạo ra chuỗi cung ứng với khả năng truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó kích thích nhiều DN sản xuất nông sản sạch.

TP.Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu nâng giá trị sử dụng đất nông nghiệp lên 300 triệu đồng/ha/năm, trong đó người lao động đạt từ 40-50% lợi nhuận từ doanh thu. Mục tiêu này dự kiến sẽ đạt sớm hơn kế hoạch mà thành phố đề ra vào năm 2020.
Nguồn: Báo Công thương

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn