Giả thiết về vị trí va chạm của tàu Schiaparelli trên sao Hỏa
5:59 CH,23/12/2016

Chỉ một ngày sau khi tàu Schiaparelli của châu Âu đổ bộ lên sao Hỏa bị mất tín hiệu, NASA đã đưa ra giả thiết tàu bị nổ tung do va chạm với sao Hỏa và chỉ ra vị trí được cho là điểm va chạm.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết hai “điểm” mới xuất hiện trên bề mặt sao Hỏa trong những bức ảnh gửi từ Vệ tinh thăm dò sao Hỏa (MRO) của NASA có khả năng là phần còn lại của tàu Schiaparelli.

Ngày 19/10,  tàu đổ bộ Schiaparelli đã rời tàu mẹ Trace Gas Orbiter (TGO) để hạ xuống bề mặt sao Hỏa. Nhưng trong khoảng thời gian sáu phút của quá trình hạ cánh, những người giám sát tàu Schiaparelli đã mất liên lạc với nó.

Vệ tinh MRO đã chụp được một hình ảnh tĩnh của khu vực hạ cánh của tàu Schiaparelli vào hôm 20 tháng Mười, mà các nhà nghiên cứu đã so sánh với bức ảnh được chụp tại cũng tại khu vực này vào hồi tháng Năm năm nay. Loạt ảnh trước và sau khi tàu đổ bộ hạ cánh cho thấy sự xuất hiện của một vết sẫm màu nằm ở góc phần tư phía trên của vùng tàu hạ cánh, và một điểm màu trắng sáng gần góc dưới bên phải. Chấm sáng này có thể là chiếc dù có đường kính 12m của tàu đổ bộ, được bung ra trong giai đoạn hai của quá trình hạ cánh. Vết mờ có màu tối hơn có khả năng là dấu vết của cú hạ cánh.

Dù vụ va chạm của tàu Schiaparelli, hay có thể là một vụ nổ, thì cũng có khả năng làm xáo trộn bề mặt sao Hỏa, thể hiện ở vùng vật chất có màu tối hơn cho kết quả là đốm đen trên bức ảnh, theo tuyên bố do ESA đưa ra. Các nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng việc tắt động cơ đẩy của tàu đổ bộ sớm đã đặt nó vào trạng thái rơi tự do trong khoảng độ cao từ 2 đến 4km. Schiaparelli có thể đã va chạm với bề mặt sao Hỏa ở tốc độ hơn 300 km/h. Vì bình nhiên liệu cho động cơ đẩy có thể vẫn đầy, nên có khả năng tàu đổ bộ đã phát nổ khi va chạm, theo ESA.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét dữ liệu gửi từ TGO, nơi điều khiển việc hạ cánh của tàu đổ bộ hôm 19 tháng Mười. Và họ đã lên kế hoạch chụp những bức ảnh có độ phân giải cao của khu vực hạ cánh, sử dụng camera HiRISE của MRO trong hai tuần tới. Cùng với thông tin từ vệ tinh Mars Express của ESA và dữ liệu từ Kính thiên văn Giant Metrewave Radio gần thành phố Pune, Ấn Độ, các nhà khoa học hi vọng ráp nối lại với nhau chính xác điều gì đã xảy ra với tàu đổ bộ bị mất tích của họ.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn