Nội lực cộng đồng trong phát triển nông nghiệp vùng dân tộc thiểu số
12:17 CH,16/12/2016

Việc phát triển chuỗi nông nghiệp ở cộng đồng dân tộc thiểu số cần dựa trên nền tảng nguồn lực sẵn có của cộng đồng, quản trị chuỗi nông sản chặt chẽ cũng như vai trò tư vấn lâu dài theo nguyên tắc “win – win”(đôi bên cùng có lợi) của các nhà khoa học. Đó là những kinh nghiệm của PGS.TS Trần Văn Ơn (Trưởng Bộ môn Thực vật, trường Đại học Dược Hà Nội, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc DKPharma) sau hơn 20 năm hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

Một trong những điểm nhấn của “Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ngành Thực phẩm và Nông sản sạch năm 2016” từ 6-9/10/2016 tại Hà Nội là gian hàng “Sản phẩm khởi nghiệp đồng bào dân tộc thiểu số”, nơi những người phụ nữ Hmông, Dao, trong chiếc váy hoa xòe truyền thống, bày bán tinh dầu, dầu tắm chiết xuất từ nhiều bài thuốc dân gian. Đó chính là các cổ đông của Sapanapro JSC., một startup tại xã Tả Phìn, huyện Sapa, Lào Cai, do Lý Láo Lở làm giám đốc. Họ khác hẳn hình dung thông thường của chúng ta về các startup (thường đặt ở các thành phố lớn, làm về công nghệ cao, có mô hình kinh doanh hiện đại,...). Vậy điều gì đã giúp những người dân tộc thiểu số – vẫn thường chịu cái nhìn định kiến gắn với sự nghèo đói, thiếu năng lực sản xuất và kinh doanh – tạo dựng thành công một startup có doanh thu hằng năm từ 3 – 4 tỉ đồng?

- Đánh thức nội lực cộng đồng

Sapanapro chỉ là một trong hàng chục startup tương tự được gây dựng nhờ sự tư vấn từ PGS.TS Trần Văn Ơn, người đã đeo đuổi công việc tư vấn phát triển cộng đồng tại 22 hợp tác xã, bảy công ty sản xuất dược liệu ở khắp các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh…). Ông phân tích: “Người dân có sẵn các nguồn vốn quan trọng là đất đai, tri thức bản địa, vốn con người, và cuối cùng là vốn tài chính (mỗi hộ gia đình cá thể có ít tiền nhưng một cộng đồng thì không hề ít). Nhiệm vụ của các nhà làm phát triển cộng đồng là phải hỗ trợ các nguồn vốn khác mà họ chưa có như mạng lưới xã hội, khoa học kỹ thuật để họ tự phát triển lên bằng chính sản phẩm nông nghiệp truyền thống của mình. Vấn đề mấu chốt là người làm phát triển cộng đồng phải tin vào nội lực của người dân. Tôi vẫn tin như thế, nhờ đó mới có thể xây dựng hợp tác xã, công ty thành công ở ngay cả những xã đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình giảm nghèo quốc gia 135 hoặc 30A”1.

Với quan điểm như vậy, khi xây dựng một hợp tác xã nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số, trước hết, PGS.TS Trần Văn Ơn và các đồng nghiệp ở Bộ môn Thực vật, trường ĐH Dược Hà Nội và Công ty DKPharma đã cùng người dân xác định các sản phẩm truyền thống, chọn loại cây vừa phù hợp với thổ nhưỡng, địa hình, khí hậu và kinh nghiệm chăm sóc của người dân lại vừa phù hợp với yêu cầu của thị trường làm thành các “sản phẩm chiến lược”. Từ đó họ tạo dựng nên các hợp tác xã trồng, sơ chế, tinh chế và bán sản phẩm từ thảo dược truyền thống (như chiết xuất thuốc tắm của Sapanapro ở huyện SaPa, Lào Cai; tinh dầu gừng tía ở Bát Xát, Lào Cai; Actiso tại huyện Quản Bạ, Hà Giang…), là những sản phẩm có tính khả thi cao vì lượng “cầu” từ các công ty dược, mỹ phẩm và người tiêu dùng rất lớn.

Để quản trị các hợp tác xã và công ty cộng đồng một cách hiệu quả, ông Ơn tìm nguồn nhân lực điều hành tại chỗ. Ông chia sẻ, “người đứng đầu các hợp tác xã, công ty phải là người dân tộc thiểu số tại địa phương, có trí tuệ, tâm sáng. Nhưng chỉ nên ở khoảng 30 tuổi thôi. Vì ở tuổi này mới ‘xông xáo hết mình’ được, ít tuổi hơn thì còn ‘non’ quá, mà nhiều tuổi hơn, đủ độ chín thì lại có sức ì”. Ví dụ, “nhóm quản trị nòng cốt” do ông Ơn xây dựng khi thành lập Sapanapro gồm Lý Láo Lở – một chàng trai trẻ sinh năm 1982 có quyết tâm giữ gìn, phát huy tri thức bản địa – và một số thầy lang vườn nắm vững các bài thuốc, vị thuốc cổ truyền của người Dao. Ban đầu, vào năm 2006, bảy hộ gia đình trong nhóm nòng cốt này thành lập công ty Sapanapro để sản xuất và kinh doanh thuốc tắm. Theo thời gian, công ty ngày càng mở rộng quy mô số hộ cổ đông (đến nay đã hơn 100 hộ) và đa dạng hóa sản phẩm.

Trong bối cảnh lâu nay, các chương trình phát triển nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số thường có cách tiếp cận đòi hỏi sự hỗ trợ từ bên ngoài về tài chính, công nghệ, quản trị… thì phương pháp tiếp cận hỗ trợ cộng đồng “từ bên trong” của PGS.TS Trần Văn Ơn đã tỏ rõ ưu thế về hiệu quả và tính bền vững.

Nguồn: Tạp chí Tia sáng, ngày 7/12/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn