Bình Dương: kết quả hoạt động mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh
3:23 CH,11/12/2016

Tính đến năm 2016, toàn tỉnh hiện có trên 280 tổ hợp tác (THT), trong đó có 264 THT được hình thành và hỗ trợ từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh và Trung ương Hội. Bên cạnh đó, công tác chuyển giao công nghệ, cây con giống mới, tổ chức cho nông dân tham quan học tập mô hình mới, các cấp hội đã đầu tư hỗ trợ và tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.

Suốt 3 năm hoạt động, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện xây dựng một số mô hình kinh tế tập thể theo Luật hợp tác xã năm 2012; Nghị định 115/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của THT được hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự giác hợp đồng, hỗ trợ hợp tác với nhau để phát triển sản xuất - kinh doanh; phối hợp với các ngành tổ chức 3.207 buổi tập huấn khoa học và kỹ thuật cho nông dân; hội thảo; tham quan mô hình trong và ngoài tỉnh… Kết quả, có 138.737 lượt cán bộ, hội viên tham gia.
Trong giai đoạn 2013-2016, từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân, các cấp hội đã hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho khoảng 4.500 hộ vay trên 100 tỷ đồng. Qua đó, Hội Nông dân đã trực tiếp giúp cho 885 hộ thoát nghèo, giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Đến nay, đã có một số mô hình hoạt động THT đạt kết quả tốt, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện về vật chất và tinh thần. Điển hình là mô hình THT rau an toàn Hồng Gia tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên; THT trồng mai tại xã An Tây, thị xã Bến Cát; THT nuôi cá dĩa Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một; THT chăn nuôi bò sữa tại xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng…

Phát biểu tham luận tại “Hội nghị tổng kết hoạt động THT, tổ liên kết sản xuất giai đoạn 2013-2016”, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương Nguyễn Bình Phước cho biết: “Vừa qua, Sở KH&CN đã triển khai nhiều đề tài, dự án về trồng rau an toàn theo hướng VietGap tại thị xã Tân Uyên; trồng bưởi theo hướng VietGap tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên; mô hình trồng ổi lê tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng… Đồng thời, Sở còn tham gia tư vấn cho Hội Nông dân thị xã Thuận An “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho Măng cụt Lái Thiêu” và hiện nay, Sở đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Măng cụt huyện Dầu Tiếng”; giới thiệu Quỹ phát triển KH&CN….”.

Ông Nguyễn Hoàng Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cũng cho biết “Thông qua những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục hướng dẫn các THT đổi mới tổ chức, quản lý nhằm phát huy quyền làm chủ của các thành viên, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh; củng cố các THT yếu kém, đánh giá các THT để lựa chọn ra những THT kinh doanh hiệu quả làm nòng cốt, xây dựng những mô hình điểm, nhân rộng và tuyên truyền, thu hút thêm nhiều người tham gia phát triển THT”.
Nguồn: Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn