Nghiên cứu thiết kế, chế tạo lồi cầu và thân xương hàm dưới bằng vật liệu y sinh C-PEEK
8:46 CH,10/12/2016
Khuyết lồi cầu xương hàm dưới sau phẫu thuật điều trị ung thư, hoại tử xương, viêm xương, u men răng hoặc mất đoạn sau chấn thương, không những làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, nuốt, nói, thở mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, phục hình ổ tổn thương khuyết xương hàm, giúp bệnh nhân khôi phục chức năng ăn nhai và giải phẫu thẩm mỹ.

Có nhiều phương pháp khác nhau từ đơn giản đến phức tạp với nhiều vật liệu được sử dụng để tạo hình lồi cầu xương hàm như bằng các vật liệu trơ (kim loại, xenlulô, nhựa…) tạo hình bằng vật liệu ghép sinh học, ghép xương dị loại, ghép xương tự thân… Đối với mỗi chất liệu, mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng. Bệnh nhân bị khuyết lồi cầu xương hàm có nhu cầu tạo hình ngày càng nhiều việc ghép xương nối vi phẫu chỉ thực hiện được ở cơ sở lớn, các tuyến không nối vi phẫu không thực hiện được. Thay thế lồi cầu thân xương hàm dưới bằng vật liệu Titan nhập ngoại cũng được thực hiện nhiều, nhưng có một số nhược điểm như nặng, không tạo hình như giải phẫu xương hàm được, giá thành đắt, không tạo hình bổ sung trong khi phẫu thuật.
Lồi cầu xương hàm dưới bằng C-PEEK được Viện ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu ứng dụng vật liệu C-PEEK chế tạo các sản phẩm để thay thế các tổn khuyết lồi cầu xương hàm cho bệnh nhân. Nhưng, chưa có nghiên cứu lâm sàng nào về sử dụng lồi cầu nhân tạo bằng C-PEEK điều trị tổn khuyết lồi cầu xương hàm dưới được công bố. Vì thế, trong thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2013, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Vật liệu mới do KS. Bùi Công Khê dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo lồi cầu và thân xương hàm dưới bằng vật liệu y sinh C-PEEK”.
Qua nghiên cứu điều trị phẫu thuật tạo hình xương hàm dưới có khuyết cầu lồi bằng vật liệu C-PEEK do Việt Nam sản xuất trên 30 bệnh nhân (25 nam, 5 nữ) bị khuyết lồi cầu xương hàm dưới tại Viện quân y 103, các nhà khoa học đã rút ra một số kết luận sau:
- Kỹ thuật tạo hình lồi cầu xương hàm dưới bằng vật liệu C-PEEK do Việt Nam sản xuất để phục hồi chức năng ăn nhai và thẩm mỹ
+ Chỉ định phẫu thuật điều trị tạo hình khuyết xương hàm dưới có mất lồi cầu do chấn thương và bệnh lý mà các phương pháp khác không áp dụng. Trong tạo hình xương hàm dưới có mất lồi cầu bằng vật liệu C-PEEK, cần chú ý đánh giá tổn khuyết trên X-Quang, thực tế lâm sàng tình trạng toàn thân bệnh nhân. Đây là khâu rất quan trọng trước khi đưa ra quyết định điều trị.
+ Đường rạch sử dụng 2 đường trước tai sau nắp nhỉ bình và đường dưới bờ dưới góc hàm cùng bên tổn khuyết. Hai đường này dễ bộc lộ vào vị trí tổn khuyết và tránh mạch máu, dây thần kinh.
+ Cố định mảnh ghép C-PEEK vào xương hàm dưới bằng vít TITAN có trường hợp kết hợp thêm nẹp.
+ Số định khớp cắn đúng bằng vít neo chặn trong khi phẫu thuật và sau phẫu thuật là bắt buộc.
+ Dẫn lưu áp lực âm vùng mảnh ghép sau phẫu thuật làm giảm đọng dịch vùng mổ tránh máu đọng dẫn lưu sẽ được rút bỏ sau 48 giờ 
- Đánh giá kết quả điều trị tạo hình lồi cầu xương hàm dưới bằng vật liệu C-PEEK do Việt Nam sản xuất. 
Vai trò của tạo hình tổn khuyết xương hàm dưới có mất lồi cầu là bù lại tổn khuyết độ cao ngành lên xương hàm dưới, thể tích tổn khuyết, chống dính lồi cầu sau chấn thương. Vật liệu C-PEEK do Việt Nam sản xuất có giá thành rẻ, có thể áp dụng rộng trong cộng đồng. Kỹ thuật tạo hình có thể áp dụng tại các cơ sở có phẫu thuật tạo hình Hàm mặt trên cả nước.
Nguồn: most.gov.vn

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn