Xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia
7:55 CH,10/12/2016
Quan trắc phóng xạ môi trường (QTPXMT) ở nước ta đã được thực hiện từ rất sớm ngay trong quá trình khôi phục lò phản ứng (LPU) hạt nhân nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với mục đích xác định mức phông phóng xạ trong môi trường xung quanh khu vực LPU trước khi tái vận hành và quan trắc sự ảnh hưởng của LPU đối với môi trường xung quanh trong quá trình hoạt động. Kể từ đó, cùng với sự phát triển của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) và việc ứng dụng NLNT trong các ngành kinh tế xã hội khác nhau, QTPXMT ngày càng được quan tâm triển khai ở nhiều cơ quan đơn vị trong Viện và từng bước mở rộng phạm vi, tần suất cũng như đối tượng quan trắc.

Hiện nay, công tác QTPXMT ở nước ta được Cục Bảo vệ môi trường giao cho 3 trạm QTPXMT thuộc Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (KHKTHN), Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) thuộc Viện NLNTVN (Bộ KH&CN) và Trung tâm Xử lý môi trường (CNXLMT) thuộc Bộ Quốc phòng. Các trạm QTPXMT này đã có những đóng góp nhất định vào việc theo dõi và phân tích phông phóng xạ tự nhiên tại một số địa điểm trọng yếu trên toàn quốc như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, LPU hạt nhân Đà Lạt, tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn... Nhờ có những hoạt động quan trắc đó mà Việt Nam đã kịp thời quan trắc được một số đồng vị phóng xạ có nguồn gốc nhân tạo như 131I, 137Cs, 134Cs... trong son khí phát sinh từ thảm họa hạt nhân Chernobyl ngày 26/4/1986 và sự cố hạt nhân Fukushima ngày 11/3/2011 lan truyền đến nước ta. Kết quả quan trắc và nghiên cứu ảnh hưởng từ các sự cố này đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.
Trên cơ sở chương trình phát triển ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình và xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) ở nước ta, kết hợp với mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia, ngày 31/08/2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia (QT&CB PXMT QG) đến năm 2020.
Báo cáo này đề cập đến qui hoạch Mạng lưới, một số kết quả xây dựng Mạng lưới QT&CB PXMT QG tính đến tháng 9 năm 2016 và chỉ ra định hướng tiếp tục xây dựng Mạng lưới đáp ứng với tình hình mới hiện nay.


Qui hoạch Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia 
Mục tiêu xây dựng Mạng lưới QT&CB PXMT QG là nhằm phát hiện kịp thời mọi diễn biến bất thường về bức xạ trên toàn lãnh thổ Việt Nam, hỗ trợ cho việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và cung cấp cơ sở dữ liệu về PXMT QG phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn hạt nhân.
1. Theo Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Mạng lưới QT&CB PXMT QG đến năm 2020; Thông tư số 27/TT-BKHCN ngày 30/12/2010 về đo lường bức xạ, hạt nhân, xây dựng và quản lý Mạng lưới QT&CB PXMT QG và Thông tư số 16/TT-BKHCN ngày 30/07/2013 về Qui chuẩn kỹ thuật quốc gia của (QCVN-10) Mạng lưới QT&CB PXMT QG, Mạng lưới QT&CB PXMT QG sẽ gồm có Trung tâm điều hành quan trắc và cảnh báo PXMT (Trung tâm Điều hành), các trạm quan trắc cấp vùng (Trạm vùng), các trạm quan trắc địa phương (Trạm địa phương) và trạm quan trắc cơ sở 
Trung tâm Điều hành đặt tại Viện KH&KTHN (diện tích mặt bằng khoảng 1000m2, nhân lực trên 30 cán bộ) sẽ thực hiện việc kết nối thu thập dữ liệu trực tuyến từ các trạm, các điểm quan trắc trong Mạng lưới QT&CB PXMT QG trên toàn lãnh thổ Việt Nam; xử lý kết quả quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu PXMT quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật cho việc phân tích, đánh giá diễn biến và điều hành ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân.
Trạm QT&CB PXMT cấp vùng (Trạm vùng): Thực chất Trạm vùng là một trung tâm phân tích phóng xạ môi trường khu vực (mỗi trạm sẽ có diện tích mặt bằng khoảng 3000m2, nhân lực trên 40 cán bộ). 4 Trạm vùng này sẽ được xây dựng hoặc nâng cấp tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Đà Lạt. Trạm vùng có nhiệm vụ thu nhận dữ liệu quan trắc trực tuyến từ các trạm quan trắc địa phương; thu thập, xử lý và phân tích các chỉ tiêu phóng xạ trong mẫu môi trường theo QCVN-10; phân tích và tổng hợp số liệu quan trắc; trực tiếp tham gia đánh giá hiện trường trong kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân cấp tỉnh và cấp cơ sở.
Trạm QT&CB PXMT cấp tỉnh (Trạm địa phương và cơ sở): Trạm địa phương được xây dựng tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Trạm vùng hoặc có khả năng chịu ảnh hưởng lớn bởi các sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân (mỗi trạm sẽ có diện tích mặt bằng khoảng 500m2, nhân lực từ 5-7 cán bộ). Trạm địa phương làm nhiệm vụ quan trắc thường xuyên, liên tục tại các điểm và các cơ sở hạt nhân trên địa bàn tỉnh, kết nối trực tuyến với các Trạm vùng. 
Bên cạnh các cấp trạm này còn có Hệ thống quan trắc và cảnh báo PXMT thuộc Bộ Quốc phòng (Hệ thống trinh sát PX quân đội). Hệ thống trinh sát phóng xạ quân đội sẽ thực hiện quan trắc và cảnh báo phóng xạ theo chỉ định của Bộ Quốc phòng. Trạm trinh sát phóng xạ thực hiện vai trò chỉ đạo kỹ thuật hệ thống trinh sát, cảnh báo phóng xạ trong quân đội, phục vụ công tác phòng chống vũ khí hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân. 
Mạng lưới QT&CB PXMT QG này sẽ có nhiệm vụ xác định nhanh chóng và thông tin trực tuyến các biến động bất thường về phóng xạ trong môi trường không khí, sau đó thông qua sự kết hợp chặt chẽ với mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường và hệ thống các phòng thí nghiệm (PTN) để phân tích, xác định, đánh giá và dự báo kịp thời bản chất, nguồn gốc và diễn biến của các sự kiện liên quan đến phóng xạ.
Nguồn: most.gov.vn
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn