Sáng tạo mô hình “Đường dẫn nước trên không”
2:26 CH,08/12/2016

Việc bơm, hứng nước mưa hoặc mở vòi nước máy cho vào lần lượt nhiều lu đôi khi sẽ mất nhiều thời gian, công sức.Mô hình “Đường dẫn nước trên không” của em Nguyễn Thị Ngọc Trúc, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Thiên Hộ Dương (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè- Tiền Giang) giúp khắc phục những hạn chế trên

Hiện ở khu vực nông thôn, người dân thường sử dụng bồn, lu... để chứa nước sinh hoạt hoặc trữ nước mưa để sử dụng vào mùa khô. Đối với một số vùng còn thiếu nước sạch, người dân dùng lu để trữ nước bơm từ ao hồ, dùng phèn lắng cặn làm nguồn nước sinh hoạt. Việc bơm, hứng nước mưa hoặc mở vòi nước máy cho vào lần lượt nhiều lu đôi khi sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Mặt khác, khi nước trong lu, bồn... còn khoảng 1/3 thể tích, việc dùng ca, gàu để lấy nước sẽ khuấy đọng cặn, làm cho phần nước còn lại trong lu không sử dụng được. Bên cạnh đó, khi các lu chứa nước được sắp xếp thành một dãy cặp theo vách nhà, việc lấy nước đối với các lu trong góc rất khó khăn.

Từ thực tế trên, em Nguyễn Thị Ngọc Trúc, học sinh lớp 10A2 Trường THPT Thiên Hộ Dương (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) đã vận dụng những kiến thức học được ở môn vật lý để sáng tạo ra mô hình “Đường dẫn nước trên không” nhằm khắc phục những hạn chế trên. Giải pháp dựa trên nguyên tắc “bình thông nhau” - nước sẽ chảy từ nơi áp cao xuống nơi áp thấp.

Về nguyên vật liệu để thực hiện mô hình gồm 7 ống nhựa PVC 27 mm có chiều dài bằng nhau là 1 mét đặt theo phương đứng và liên kết với nhau bởi ống nhựa nằm ngang dọc theo dãy lu thông qua các chữ T (6 ống đặt trong 6 lu nước, 1 ống đặt bên ngoài lu có lắp ống nhựa trong - báo mực nước trong lu), van mồi nước và van xả nước. Đầu trên của 6 ống nhựa (đặt trong lu) đều có lắp van 27; đầu dưới lắp co vuông và một đoạn nối đưa lên cách đáy lu khoảng 20 cm (bằng hoặc thấp hơn chiều cao đặt van xả bên ngoài lu) để đảm bảo nước xả ra không bị cáu cặn.

Sau khi keo dán các đường ống đã khô, khóa tất cả các van, đổ nước mồi từ từ vào ống nhựa trong, nước tràn van nào (van 27 gắn ở một đầu của 6 ống nhựa đặt trong lu) thì khóa van đó lại cho đến khi đường ống đầy nước, cho vào dãy lu đã chứa đầy nước và mở các van 27 ra. Khi đó, nước trong các lu sẽ thông nhau và đồng loạt cấp nước cho van xả phía ngoài. Chú ý đánh dấu lên ống nhựa trong sao cho khi mực nước trong lu hạ xuống đến mức đã đánh dấu thì tiến hành cấp nước vào lu để việc sử dụng nước từ dãy lu được liên tục.

Sử dụng đường ống này, việc cấp nước cho dãy lu (bằng nước mưa, nước máy hoặc bơm nước từ ao vào) cũng rất thuận lợi: chỉ cần cho vòi nước vào 1 lu bất kỳ, nước sẽ được cung cấp và làm đầy cả dãy lu dựa trên nguyên tắc “bình thông nhau”.

Mô hình “Đường dẫn nước trên không” của em Nguyễn Thị Ngọc Trúc được trao giải nhất Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ 9 (2015 - 2016).

Nguồn: Khoa học phổ thông

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn