Hội thảo về chính sách phát triển gạch không nung
4:33 CH,23/11/2016

Trong khuôn khổ Dự án Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam, sáng 17/11/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội thảo Hoàn thiện các chính sách phát triển gạch không nung. Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN, chủ trì Hội thảo.

Theo Báo cáo đánh giá hiện trạng các cơ chế chính sách hiện tại, ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, cho biết, nhìn chung, hệ thống các văn bản pháp lý về khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung trong thời gian ngắn cơ bản đã được xây dựng tương đối đầy đủ; Hệ thống các tiêu chuẩn về sản phẩm, hướng dẫn thi công, định mức sử dụng cơ bản đã được xây dựng, bổ sung, soát xét (dù tới nay vẫn còn thiếu); Nhận thức của các bộ, ngành, địa phương đối với việc sản xuất và sử dụng gạch không nung đã có nhiều thay đổi, nên các cấp đã chủ động và quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công và tăng cường khuyến khích sản xuất gạch không nung. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhìn nhận, nhiều chính sách đưa ra chưa cụ thể nên khi đưa vào áp dụng tại các địa phương chưa thực hiện được. Thêm vào đó, do hiểu biết không đầy đủ về gạch không nung nên nhiều tỉnh còn trì hoãn việc áp dụng các qui định của nhà nước trong việc xây dựng các công trình ngân sách. Còn phía các nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng do không nắm chắc kỹ thuật thi công nên các công trình sử dụng gạch không nung cho chất lượng không đồng đều dẫn đến ảnh hưởng uy tín của loại vật liệu này. Phía các nhà sản xuất do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nhập các dây chuyền sản xuất gạch không nung trình độ trung bình, thiếu đồng bộ nên chất lượng không ổn định, không tuân thủ đúng qui trình lưu kho, vận chuyển nên đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình…

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số đề nghị sửa đổi Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 Quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, theo hướng nâng cao tỉ lệ sử dụng gạch nhẹ trong các công trình cao tầng lên tới 70-80%; đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị “Tiếp tục tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung”; chỉnh sửa Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở. Đồng thời kiến nghị chỉnh sửa, xây dựng và ban hành các chỉ dẫn thi công và nghiệm thu tường xây bằng vật liệu không nung… hay soát xét xây dựng lại định mức sử dụng vật liệu xây không nung cho phù hợp với điều kiện thực tế…

Thảo luận tại Hội thảo tập trung vào các tồn tại để sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế và phù hợp với từng địa phương, doanh nghiệp. PGS.TS. Dương Đức Long, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng: “Cần làm thế nào để trong các văn bản chính thức chỉ ra được hai ưu điểm của gạch không nung là tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. Bởi trên thực tế, chúng ta vẫn nói như vậy, nhưng trong các văn bản pháp quy lại không có câu nào thể hiện điều đó, như thế sẽ khó có tính thuyết phục, từ nhà đầu tư đến nhà thầu, nên sẽ khó để có thể triển khai vào các công trình. Ngoài ra cũng nên ban hành Sổ tay tất cả các vấn đề liên quan đến ưu đãi như hệ thống chính sách, các nguồn vốn vay… để doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và lên kế hoạch phù hợp”.

TS. Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đánh giá, chính sách mới khuyến khích nhà đầu tư sản xuất, mà chưa khuyến khích người sử dụng sản phẩm gạch không nung, dẫn đến tình trạng sản xuất đã đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng việc tiêu thụ còn khó khăn, các cơ sở không phát huy hết công suất, thậm chí phải ngừng hoạt động. Do đó, cần nghiên cứu ban hành cơ chế ưu đãi đối với người sử dụng gạch không nung nhằm giảm chi phí công trình để khuyến khích sử dụng.

Tại Hội thảo, hầu hết đại biểu đều đồng ý với ý kiến rằng, khi sử dụng gạch không nung, lợi ích từ việc bảo vệ tài nguyên đất sét là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, một lợi ích lớn hơn chính là tận dụng được các chất thải công nghiệp, đặc biệt là tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đang là vấn đề đau đầu của ngành Điện. Chỉ cần có đầu ra, có một thị trường rộng mở thì các vấn đề về ô nhiễm môi trường từ các chất thải công nghiệp có thể được giải quyết triệt để. Muốn vậy, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức liên quan đến sản xuất và sử dụng gạch không nung để nhà sản xuất, nhà đầu tư, nhà thầu yên tâm sử dụng loại sản phẩm này. Mặt khác, trên thị trường chủ yếu là sử dụng gạch bê tông cốt liệu, nhưng các chính sách thì lại nghiêng về sản phẩm gạch nhẹ, bê tông khí chưng áp ACC, là chưa phù hợp. Đồng thời, các chế tài hiện chưa đủ mạnh, nên thậm chí, có những nhà đầu tư tại TP.HCM chấp nhận chịu phạt chứ nhất định không sử dụng gạch không nung. Hay như, mỗi nhà sản xuất có một tỉ lệ phối trộn cốt liệu khác nhau, cần một đơn vị trung gian kiểm soát chất lượng, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị sản xuất…

Kết thúc Hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ được nhóm nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển gạch không nung làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên từ nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Nguồn: Nasati, ngày 22/11/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn