Nghiên cứu chế tạo thiết bị quan trắc cảnh báo phóng xạ
4:31 CH,22/11/2016

Thông qua việc triển khai đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị quan trắc cảnh báo phóng xạ” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước KC.05.16/11-15, các nhà khoa học trong nước đã có cơ hội nâng cao khả năng làm chủ công nghệ, giải quyết vấn đề nội địa hóa các thiết bị quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. 

Đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị quan trắc cảnh báo phóng xạ” do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân chủ trì, với tổng kinh phí được cấp là 4,1 tỷ đồng. Mục tiêu của đề tài là chế tạo thành công một hệ thiết bị thử nghiệm quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường phù hợp với điều kiện Việt Nam và có khả năng sản xuất hàng loạt theo nhu cầu của thị trường.

Hệ thiết bị sẽ bao gồm ba thiết bị quan trắc cảnh báo phóng xạ ghép nối mạng, chỉ thị màn hình LED và một thiết bị quan trắc phóng xạ sử dụng detector nhấp nháy có hệ thống tự động thu thập mẫu bụi khí và đo phổ tự động. Các thiết bị nói trên sẽ được kết nối với máy tính tại trung tâm điều hành (đặt tại Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân) thông qua mạng Internet. Trung tâm điều hành sẽ điều khiển toàn bộ hoạt động của toàn mạng và chỉ thị kết quả của mạng quan trắc lên màn hình LCD.

Sau ba năm nghiên cứu, triển khai thực hiện, đến nay, nhóm đề tài đã chế tạo thành công 3 thiết bị quan trắc online phông phóng xạ môi trường có chỉ thị màn hình LED suất liều hiện tại, thiết bị có thể ghép thành mạng quan trắc thông qua các kết nối TCP/IP, 3G, wireless, số liệu ghi nhận được truyền về trung tâm điều hành và được chỉ thị trên màn hình tại trung tâm. Thiết bị được thiết kế để có thể tận dụng một cách tốt nhất các cơ sở hạ tầng của mạng Internet cũng như mạng viễn thông hiện nay.

Thiết bị được tích hợp cả hai phương án kết nối là sử dụng đường truyền Internet tốc độ cao (ADSL, cáp quang...) và sử dụng kết nối với mạng viễn thông 2,5G/3G (mặc định sẽ sử dụng mạng LAN hoặc wifi có sẵn tại nơi lắp đặt thiết bị, nếu có sự cố về đường truyền, ngay lập tức hệ thống sẽ khởi động 2,5G/3G để đảm bảo kết nối được liên tục). Hiện nay, 3 thiết bị này đang được cho chạy thử nghiệm. Trong đó, một thiết bị được đặt tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai, một thiết bị được đặt tại Trạm quan trắc khí tượng Hải Phòng và thiết bị còn lại được đặt tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.

Ngoài ra, nhóm đề tài cũng đã chế tạo được một thiết bị quan trắc phóng xạ có hệ thống tự động thu thập mẫu bụi khí và đo phổ tự động. Thiết bị có thể được điều khiển từ xa thời điểm hút khí, lưu lượng khí cần hút, thời gian để mẫu phân rã và thời gian đo mẫu. Giống như thiết bị quan trắc phóng xạ online, thiết bị này cũng có thể lưu trữ số liệu và gửi số liệu về trung tâm điều hành. Mặc dù thiết bị đã được vận hành với đầy đủ thông số như đã đăng ký nhưng có thể nói đây mới chỉ là thiết bị chế tạo thử nghiệm nên vẫn cần phải tiếp tục đầu tư thời gian, kinh phí và công sức để có thể hoàn thiện thiết bị với các tính năng đầy đủ hơn nữa.

Từ việc triển khai đề tài này, các nhà khoa học trong nước đã có cơ hội nâng cao khả năng làm chủ công nghệ, giải quyết vấn đề nội địa hóa các thiết bị quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, sử dụng, bảo trì và bảo dưỡng các thiết bị; Góp phần vào quá trình xây dựng và phát triển mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia. Các sản phẩm tạo ra từ đề tài hoàn toàn có thể được sản xuất hàng loạt với tính ứng dụng thực tiễn cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường của Việt Nam. 

Nguồn: Báo Công thương, ngày 18/11/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn