Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ nông nghiệp - du lịch - thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 từ 13-20/11
4:21 CH,18/11/2016

Lễ hội cam Cao Phong lần thứ 2 và Hội chợ nông nghiệp - du lịch - thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 sẽ diễn ra trong 8 ngày (13-20/11) tại Nhà văn hóa huyện Cao Phong (khu 2, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) và Công viên Trung tâm Bảo tồn di sản tiến sỹ Việt Nam (xóm Tiền, xã Bắc Phong).

Mục đích ý nghĩa của Lễ hội và hội chợ nhằm quảng bá, giữ gìn và nâng cao thương hiệu cam Cao Phong; phát triển giao thương các tỉnh vùng Tây Bắc, hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết hợp tác, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên danh, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại, đẩy mạnh các hoạt động du lịch vùng miền. Đồng thời, tỉnh Hòa Bình kêu gọi các cấp, các ngành nâng cao nhận thức bảo vệ và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Cao Phong và vùng Tây Bắc, kết hợp với phát triển du lịch, tạo cơ hội xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong tỉnh và vùng Tây Bắc.

Tham dự Lễ hội lần này có hơn 200 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia với quy mô 350 gian hàng; trong đó, có 80 gian hàng trưng bày và bán sản phẩm cam quýt, bưởi các loại; gian hàng thưởng thức các sản phẩm cam; gian hàng trưng bày vật tư nông nghiệp; 80 gian hàng nông nghiệp, du lịch; Hơn 100 gian hàng thương mại tổng hợp và 40 gian hàng ẩm thực truyền thống đặc sắc của tỉnh Hòa Bình và các tỉnh vùng Tây Bắc gồm nhiều món ăn truyền thống như thắng cố Lào Cai, cá nướng sông Đà, gà đồi, rau đồ, lợn quay...

Huyện Cao Phong có hơn 2.000 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích thời kỳ kinh doanh là 900 ha, sản lượng 23.000 tấn, giá trị thu nhập khoảng 700 triệu đồng/ha. Diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình đạt 6.294 ha, trong đó cam, quýt là 3.588 ha, bưởi các loại 2.700 ha. Sản lượng cây có múi năm 2016 đạt 60.000 tấn; mía các loại 7.758 ha. Ngoài ra, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh có 2.800 ha, sản lượng 7.500 tấn đã và đang mang lại thu nhập cao cho nông dân. Cây cam là cây chủ lực đã mang lại hiệu quả kinh tế của huyện Cao Phong. Năm 2014, sản phẩm cam Cao Phong được Cục Sở Hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; năm 2016 cam Cao Phong được Viện sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư “Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5” tạo bước đột phá trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình.

Tại lễ hội, Trung tâm chứng nhận phù hợp (Quacert) trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap cho 120 hộ dân sản xuất cam.

Trong chương trình lễ hội cam Cao Phong và Hội chợ nông nghiệp - du lịch - thương mại vùng Tây Bắc năm 2016 diễn ra các hoạt động triển lãm, trưng bày; xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, trao giấy chứng nhận sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ sản xuất cam. Tham quan mô hình sản xuất tiêu biểu; các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu văn nghệ, thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp, ẩm thực dân tộc. Cũng trong hoạt động của lễ hội, còn có các chương trình thăm Đền Thượng Bồng Lai, tổ chức bóng chuyền, biểu diễn nghệ thuật; múa rối nước, thi bổ ăn cam nhanh; thả đèn hoa đăng dọc suối; dịch vụ ẩm thực; bày bán hàng lưu niệm, tổ chức các trò chơi dân gian; giao lưu văn nghệ và đốt lửa trại.

Nguồn: Sở KH&CN Hòa Bình, ngày 18/11/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn