Lai Châu: đẩy mạnh phát triển KH&CN trong nông nghiệp nông thôn
3:16 CH,18/11/2016

Từ năm 2005 đến nay, Lai Châu đã thực hiện 10 dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm với tổng kinh phí đầu tư là 17,2 tỷ đồng; hàng năm giải quyết việc làm cho người lao động đạt tỷ lệ bình quân 4.470 người/năm; số tiền giải ngân vốn vay cho người lao động từ 5-7 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ nông dân, hộ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp được hỗ trợ vay vốn; mở 120 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho 3.800 lượt người tham gia, 62 tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị đầu bờ cho trên 2.000 lượt người.

Việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng ở nông thôn được quan tâm. Cơ giới hóa, thủy lợi hóa, điện khí hóa từng bước được đầu tư và bước đầu tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn được áp dụng rộng rãi với nhiều mô hình, đề tài, dự án trong nông nghiệp, tạo ra hiệu quả lớn. Hiện ở Lai Châu, các đề tài, dự án được chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chủ yếu là về các giống cây trồng, vật nuôi và được thực hiện tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa; các tiến bộ kỹ thuật triển khai trong dự án đều là tiến bộ khoa học kỹ thuật lần đầu được thử nghiệm, tạo lập cơ sở khoa học vững chắc cho việc lựa chọn, bổ sung cơ cấu giống cho địa phương nơi triển khai thực hiện; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đưa vào thâm canh, chăm sóc cây trồng đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật khai thác bền vững trên diện tích đất sản xuất, đất nông nghiệp.

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã phê duyệt 69 đề tài, dự án và 28 mô hình dự án khuyến nông; thông qua các mô hình ứng dụng với trên 50 quy trình kỹ thuật được chuyển giao, trên 30 giống cây trồng mới, 3 giống vật nuôi được nghiên cứu nuôi trồng thử nghiệm; 17 đề tài khoa học xã hội và nhân văn, 5 đề tài, dự án về kỹ thuật và công nghệ; điều tra cơ bản 5 đề tài; y dược 3 đề tài, dự án; 22 mô hình, dự án trồng trọt với quy mô 334 ha cho 1.931 hộ dân tham gia; 3 mô hình, dự án về chăn nuôi quy mô 4.035 con với 33 hộ tham gia; 2 mô hình dự án về thủy sản, quy mô 3 ha với 31 hộ tham gia; 4 mô hình, dự án khuyến công quy mô 30 máy làm đất và máy gặt đập liên hiệp với 54 hộ dân tham gia; 5 dự án lâm nghiệp với quy mô 201 ha và huy động 294 hộ dân tham gia.

Thông qua các mô hình, dự án trên đã từng bước giúp người dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm, tăng hệ số sử dụng đất, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn của tỉnh...

Cơ chế, chính sách hỗ ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp và nông thôn tiếp tục được hoàn thiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học từng bước được hình thành. Nguồn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển KH&CN và đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được tỉnh quan tâm.

Bộ máy biên chế quản lý nhà nước về KH&CN được củng cố, kiện toàn và thống nhất từ tỉnh đến cơ sở. Các hội đồng khoa học cấp tỉnh và cơ sở được thành lập, đi vào hoạt động hiệu quả; vai trò của Hội Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh trong việc tham mưu, tư vấn các hoạt động KH&CN của ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, việc ứng dụng KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Lai Châu vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém như: Việc lồng ghép các đề tài, dự án KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của một số sản phẩm còn thấp; việc chuyển đổi sản xuất hàng hóa còn manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn và bao tiêu sản phẩm đầu ra trong sản xuất nông nghiệp của một số mặt hàng còn khó khăn. Hệ thống cơ quan nghiên cứu, ứng dụng KH&CN còn thiếu và yếu; việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu, còn thiếu các giải pháp tạo động lực đối với việc chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN có mặt còn hạn chế; việc liên kết giữa 4 nhà trong nông nghiệp và nông thôn còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho KH&CN còn dàn trải, chưa tập trung vào giải quyết những vấn đề công nghệ trọng điểm, có ý nghĩa quyết định.

Để tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp Lai Châu cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác khuyến nông về kiến thức KH&CN để tổ chức triển khai các chương trình, đề án; đưa cán bộ khoa học, kỹ thuật về cơ sở giúp nông dân ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để phát triển các cơ sở sản xuất, ngành nghề, thực hiện các chương trình dự án ở nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, phát triển dịch vụ gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Tăng cường công tác chuyển giao các kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản. Chú trọng phát triển các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ tư vấn KH&CN, các trung tâm dịch vụ tổng hợp từ tổ chức sản xuất, đến bao tiêu sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tích cực để nông dân phát triển sản xuất theo quy hoạch, áp dụng các tiến bộ KH&CN vào canh tác, chăn nuôi, nhanh chóng thay thế lao động thủ công, tạo ra ngành nghề mới. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình thí điểm vùng sản xuất chuyên canh tập trung phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng với quy mô thích hợp, gắn với khu công nghiệp chế biến có trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mở rộng quan hệ hợp tác KH&CN với các cơ quan trung ương, các tỉnh trong khu vực.

Tăng mức đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ sản xuất. Chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, nguồn vốn Trung ương để xây dựng các dự án khuyến nông góp phần chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật giúp người dân trong tỉnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Nguồn: Tạp chí KH&CN Việt Nam, ngày 17/11/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn