Nghệ An: mô hình nuôi cá trắm giòn và chép giòn trong ao đất bằng thức ăn đậu tằm trên địa bàn huyện Đô Lương năm 2016
10:37 SA,08/11/2016

Vừa qua, tại xã Thịnh Sơn, UBND huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Hội đồng tư vấn KH&CN huyện Đô Lương tổ chức hội thảo “Mô hình nuôi cá trắm giòn và chép giòn trong ao đất bằng thức ăn đậu tằm trên địa bàn huyện Đô Lương năm 2016”. Tham dự hội thảo có lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo Phòng Quản lý KH&CN Cơ sở thuộc Sở KH&CN, Hội đồng tư vấn KH&CN huyện Đô Lương; đại diện lãnh đạo các phòng: Kinh tế và Hạ tầng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông huyện; đại diện lãnh đạo các xã: Thịnh Sơn, Hòa Sơn, Văn Sơn và thị trấn Đô Lương; các hộ nông dân thực hiện mô hình và một số hộ dân đang nuôi cá nước ngọt có quy mô lớn trên địa bàn huyện.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến phát biểu đánh giá ưu, nhược điểm của việc nuôi cá trắm giòn và chép giòn bằng thức ăn đậu tằm trên địa bàn Đô Lương. Đây là một loại sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có hàm lượng dinh dưỡng cao, cung cấp cho thị trường Đô Lương và các địa phương khác trong tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Qua theo dõi mô hình (triển khai 4 tháng với quy mô 500 m2, thả nuôi 400 con (200 con cá trắm và 200 con cá chép) cho thấy, bằng việc thực hiện đúng quy trình chăn nuôi và các biện pháp vệ sinh, chuẩn bị ao nuôi, mô hình triển khai đã đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi 24.836.000 đồng. Việc thực hiện mô hình nuôi cá trắm giòn và chép giòn tại xã Thịnh Sơn (Đô Lương) đã tạo hướng đi mới cho nghề chăn nuôi thủy sản nước ngọt trên địa bàn huyện, sản phẩm mới cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình và nhân rộng mô hình trên địa bàn Đô Lương còn gặp một số vấn đề khó khăn như: thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra chưa ổn định; Nguồn thức ăn đậu tằm tại địa phương không có, phải nhập từ các nơi khác về; Quy trình chăn nuôi đòi hỏi nghiêm ngặt và người tiêu dùng chưa biết đến loại sản phẩm mới này.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện - Chủ tịch Hội đồng tư vấn KH&CN huyện Đô Lương nhấn mạnh: mặc dù việc nhân rộng và phát triển mô hình trên địa bàn Đô Lương còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là bước đi mới, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi thủy sản nước ngọt, cung cấp cho thị trường loại sản phẩm sạch, có chất lượng, không có tác động xấu đến môi trường. Để thực hiện thành công việc nhân rộng mô hình nuôi cá trắm giòn, chép giòn, ông Thành đề nghị các hộ chăn nuôi cần có sự liên kết, hợp tác sản xuất để từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và phối hợp để cung cấp nguồn thức ăn cho cá, nhằm giảm giá thành sản xuất.

Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Trung Thành cũng đã giao cho Hội đồng tư vấn KH&CN huyện, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục theo dõi, hướng dẫn thực hiện mô hình để có đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường một cách khách quan trước khi nhân rộng mô hình.

Nguồn: Sở KH&CN Nghệ An, ngày 3/11/2016.

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn