Hội thảo quốc tế thường niên về khoa học xã hội giữa Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia
3:23 CH,24/10/2016
Ngày 19-10, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) dẫn đầu Đoàn đại biểu Viện tham dự Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ 5 về khoa học xã hội “Phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ở Lào, Việt Nam và Campuchia” được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn, Lào.

Đây là hội thảo quốc tế được tổ chức luân phiên hằng năm giữa ba Viện Hàn lâm của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Đoàn Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào (LASS) do GS.TS Soukkongseng Saingaleuth, Ủy viên T.Ư Đảng NDCM Lào, Chủ tịch Viện dẫn đầu; Đoàn Viện Hàn lâm Hoàng gia Cam-pu-chia (RAC) do GS.TS Khlot Thyda, Chủ tịch Viện dẫn đầu.
Cùng tham dự có GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS Ki-kẹo Khảy-khăm-phi-thun, Bí thư T.Ư Đảng NDCM Lào, Trưởng Ban Tuyên huấn T.Ư Đảng NDCM Lào, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Quốc gia Lào; PGS.TS Thongsalit Mangnomek, Ủy viên T.Ư Đảng NDCM Lào, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Lào; và nhiều khách mời khác.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về vai trò và tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội tại ba nước; kinh nghiệm, phương hướng, hình thức và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế; phương hướng hợp tác về phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội tại Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cho biết, khoa học xã hội giữ vai trò quan trọng trong việc lựa chọn định hướng và mô hình phát triển quốc gia. Khoa học xã hội đã trực tiếp đem lại tri thức toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quản lý, tôn giáo... và có vai trò quan trọng trong việc hoạch định, hoàn thiện và thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nguồn nhân lực khoa học xã hội, với tư cách là chủ thể sáng tạo và tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các mô hình phát triển đất nước là một trong những yếu tố quyết định sự thành công đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia có những nét tương đồng sâu sắc về vị trí địa lý, về điều kiện lịch sử và những đặc trưng về văn hóa-xã hội, trong những năm qua, ba nước đã có sự hợp tác hiệu quả về phát triển nguồn nhân lực. Các chương trình hợp tác về đào tạo, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nguồn nhân lực đã diễn ra một cách khá sôi nổi với nhiều hình thức phong phú.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự cho rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng hiện nay, khoa học xã hội cần nghiên cứu, phát hiện và đánh giá tác động của quá trình hội nhập quốc tế và khu vực hiện nay đối với phát triển xã hội ở mỗi nước; nghiên cứu, phát hiện và dự đoán tác động của các xu hướng toàn cầu trong những thập niên tới đối với phát triển xã hội ở mỗi nước; nghiên cứu, đánh giá các phương thức hợp tác mà quá trình hội nhập quốc tế đem lại để đóng góp vào phát triển xã hội ở trong nước, khu vực và quốc tế.
Hội thảo cũng đề ra phương hướng và đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội ba nước gồm: Tăng cường đổi mới nhận thức về phát triển nhân lực khoa học xã hội, đổi mới căn bản quản lý nhà nước về phát triển nhân lực khoa học xã hội; tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm phát triển nhân lực khoa học xã hội; triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển giáo dục về khoa học xã hội; đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực khoa học xã hội cho các vùng, miền và các nhóm đặc thù, phát triển và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của cộng đồng các dân tộc ba nước; đổi mới chính sách sử dụng nhân lực khoa học xã hội; xây dựng và thực hiện chính sách trọng dụng và phát huy nhân tài khoa học xã hội; huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển nhân lực khoa học xã hội đến năm 2020, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về phát triển nhân lực khoa học xã hội.
Về phương hướng phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội trong thời gian tới, cần chú trọng hợp tác triển khai nghiên cứu các vấn đề ba nước cùng quan tâm, trong đó có vấn đề liên quan đến đời sống người dân ở các tỉnh giáp biên giới; tổ chức các hội thảo khoa học, mở rộng sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý ở ngoài ba Viện Hàn lâm; hợp tác thông qua dịch và xuất bản những công trình, tư liệu có giá trị tham khảo chung cho cả ba nước, trao đổi xuất bản phẩm và tư liệu ở cấp Viện Hàn lâm và các viện trực thuộc; đổi mới hình thức hợp tác phát triển nguồn nhân lực khoa học xã hội, các hoạt động giao lưu của thanh niên nhằm hướng tới việc chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu mà ba cơ quan cùng quan tâm, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị của ba Viện Hàn lâm của ba nước.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS Khlot Thyda, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Cam-pu-chia đánh giá cao công tác chuẩn bị và tổ chức Hội thảo của Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào; khẳng định, các nội dung hợp tác đã được đề xuất hết sức phong phú, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác giữa ba viện. Viện Hàn lâm Hoàng gia Cam-pu-chia vinh dự là chủ nhà tổ chức hội thảo thường niên lần thứ 6 tại Xiêm Riệp, có chủ đề trao đổi về lịch sử quan hệ ba nước để tăng cường hiểu biết hơn giữa ba nước nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung, góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia và khu vực.
GS.TS. Soukkongseng Saingaleuth, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào bày tỏ sự nhất trí với các ý kiến phát biểu trong phiên bế mạc hội thảo của Đoàn Việt Nam và Cam-pu-chia. GS.TS Soukkongseng Saingaleuth cho rằng, Hội thảo đã có sự thống nhất cao về vai trò và tầm quan trọng của khoa học xã hội đối với phát triển của đất nước; đã chỉ ra nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định hội thảo khoa học thường niên lần thứ 5 đã thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác giữa 3 Viện Hàn lâm nói riêng và nhân dân 3 nước Lào, Việt Nam, Cam-pu-chia nói chung.
Nguồn: Báo Nhân dân

Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn