Ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải hành khách: Cần quy định chặt chẽ hơn
9:27 SA,24/10/2016
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách (HK) theo hợp đồng đã làm giảm tình trạng xe taxi chạy rỗng ngoài đường, giảm áp lực giao thông đô thị; giúp người dân đi lại thuận lợi, an toàn và nhanh chóng; các tỉnh, thành phố được phép triển khai cũng đang chủ động tiến hành… Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ loại hình vận tải mới này, cần hoàn thiện các văn bản pháp lý cũng như quy định liên quan.
Hiệu quả, tiện ích
Ngày 13-10 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an phối hợp với Bộ GT-VT tổ chức hội nghị “Sơ kết 9 tháng thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”. Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ánh Dương Việt Nam kiêm Giám đốc taxi Vinasun cho biết: Hiện Vinasun đang thực hiện cung cấp dịch vụ kết nối cho xe vận tải HK theo hợp đồng tại TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa với số lượng 300 xe, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển của HK với thời gian chờ xe đến đón khách dưới 3 phút. Mặt khác, so với taxi truyền thống, xe ứng dụng phần mềm V.Car giảm hẳn tình trạng xe chạy rỗng trên đường. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, hiệu suất sử dụng hơn 62%, tức quãng đường 100km thì hơn 62km xe chạy có khách.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Grab taxi, sau 9 tháng triển khai thí điểm, Grab Car đã triển khai tại hai thành phố là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 100% xe đều được dán tem Grab Car để người dân và cơ quan quản lý nhà nước dễ nhận diện, phân biệt với xe hợp đồng vận tải truyền thống. Việc đi lại của HK rất thuận lợi và nhanh chóng khi thời gian chờ xe đến đón dưới 5 phút. Trong khi, hệ số sử dụng quãng đường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đạt gần 90%.
Đánh giá về hiệu quả, ông Nguyễn Tuyển, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GT-VT Hà Nội) cho hay: Ngay khi chủ trương thí điểm của Bộ GT-VT đi vào thực tế, Sở GT-VT Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải được phép thí điểm hoàn thiện và triển khai đồng bộ. Theo ông Tuyển, loại hình vận tải mới này đã giảm áp lực giao thông đô thị khi lượng xe chạy rỗng giảm rõ rệt; tạo môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch cho doanh nghiệp vận tải; chấm dứt tình trạng tranh giành, lôi kéo và bảo đảm an toàn cho khách.
Tương tự, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh cho hay, tại TP Hồ Chí Minh, sau gần 7 tháng hoạt động, đơn vị Grab taxi có tổng cộng hơn 2,5 triệu lượt phương tiện với hơn 6,2 triệu lượt HK tham gia, còn taxi Vinasun đã có 300 xe với tổng cộng gần 200.000 lượt khách tham gia di chuyển. Điều này cho thấy sự hiệu quả và tiện ích của phần mềm ứng dụng kết nối vào hoạt động vận tải.
Thiếu các quy định liên quan
Nói về khó khăn, ông Lê Hoàng Minh cho biết, hiện các đơn vị ứng dụng phần mềm như Uber chưa được phép triển khai vẫn hoạt động. Một số đơn vị vận tải còn tự ý lắp đặt phần mềm ứng dụng sai quy định… Từ đó, ông Minh đề nghị Bộ GT-VT cần đưa ra các quy định trong việc kiểm soát và nghiêm cấm các đơn vị vận tải hành khách lắp đặt các phần mềm ứng dụng không thuộc đề án thí điểm; đồng thời, nghiêm cấm các đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm kết nối cho các đơn vị không đăng ký loại hình kinh doanh vận tải dưới mọi hình thức; phần mềm kết nối dịch vụ trên cũng phải được các nhà cung cấp dịch vụ gửi về cơ quan nhà nước để kiểm tra, giám sát...
Còn theo ông Nguyễn Tuyển, để giám sát và quản lý chặt chẽ loại hình vận tải mới này, thời gian tới các đơn vị vận tải HK cần phối hợp chặt với nhà cung cấp dịch vụ dán lôgô và các nhận diện thương hiệu đồng bộ để vừa giúp cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát vừa để HK dễ nhận biết. Các đơn vị như Grab taxi cần có khuyến cáo rõ ràng về mức cước đi lại cho HK khi đi vào khung giờ cao điểm do giá cước cao hơn giờ thấp điểm. Song song đó, trong quá trình triển khai thí điểm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cần kiểm soát số lượng đầu xe tham gia để mang lại hiệu quả cao hơn. Do mới triển khai nên loại hình này vẫn chưa có các quy định rõ ràng và chặt chẽ như loại hình vận chuyển HK truyền thống, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý.
Trước các đóng góp trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, sắp tới sẽ tham mưu cho Bộ GT-VT kiến nghị Chính phủ đưa ra các giải pháp tổ chức và quản lý phù hợp, khoa học.
Nguồn: Báo Hà Nội mới
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn