Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung bị tàn phá nặng nề
11:03 SA,18/10/2016
Lâm tặc ngang nhiên tạo hàng trăm đường mòn, lối mở vào tận vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung tại Đác Nông để triệt hạ rừng, khai thác gỗ trái phép tràn lan. Điều đáng nói, toàn bộ diện tích gần 22 nghìn ha rừng thuộc khu bảo tồn được bảo vệ, bao bọc chung quanh bởi hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên; với hàng chục chốt kiểm soát, trạm quản lý bảo vệ rừng của sáu công ty lâm nghiệp, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, hạt kiểm lâm của các huyện… Thế nhưng, lâm tặc vẫn đột nhập tàn phá, khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng như giữa chốn không người.

Tại tiểu khu 1133, lâm tặc ngang nhiên mở đường, dựng lán trại, khai thác gỗ và tập kết công khai hàng chục bãi gỗ hộp tràn lan ngay giữa đường đi. Bước đầu xác định, có khoảng hơn 400 m3 gỗ du sam nhóm 1A, đường kính từ 90 cm -1,8 m bị lâm tặc khai thác và đã chuyển ra khỏi rừng tiêu thụ. Tại hiện trường cây chỉ còn trơ gốc, một số hộp gỗ nhỏ, bìa gỗ và phần cành ngọn tận thu khoảng 80 m3. Ngoài du sam, hàng chục cây gỗ dầu gió có đường kính từ 60 - 75 cm cũng bị lâm tặc đốn hạ, xẻ hộp tập kết thành nhiều bãi chưa kịp chuyển đi. Dấu vết hiện trường cho thấy rừng bị tàn phá vào nhiều thời điểm trong thời gian dài nhưng đơn vị chủ rừng vẫn không hề phát hiện để ngăn chặn.
Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung Đặng Xuân Lộc cho biết: “Rừng bị tàn phá, khai thác gỗ trái phép xảy ra nằm trong diện tích chúng tôi mới nhận bàn giao từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, huyện Đác Song vào đầu tháng 5-2016 và trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý trước đó”.
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa, Phạm Đình Dũng lại khẳng định: “Trước khi bàn giao rừng, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã cử cán bộ, nhân viên phối hợp với các cơ quan chức năng trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra thực địa, trong đó, có tiểu khu 1133 nhưng không hề phát hiện rừng bị tàn phá hoặc khai thác gỗ và điều này thể hiện rõ trong biên bản ký giao nhận giữa hai đơn vị. Chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm”.
Hạt phó phụ trách Hạt kiểm lâm huyện Đác Song Nguyễn Đình Dân cho biết: “Về mặt Quản lý Nhà nước, đồng chí Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đác Song trước đó phải chịu trách nhiệm, tôi mới được phân công phụ trách đơn vị được vài tháng nay nên không biết vụ viếc xảy ra vào thời điểm nào”.
Trong khi “quả bóng” trách nhiệm đang bị các đơn vị liên quan đá qua, đá lại và phải chờ các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ thì rừng vẫn tiếp tục bị xâm hại hằng ngày. Vấn đề đặt ra ở đây là có hay không việc “con voi chui lọt lỗ kim?” Vì trong khi hàng chục chốt kiểm soát, trạm quản lý bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp, hạt kiểm lâm các huyện chặn đứng mọi con đường ra vào rừng, nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng liệu gỗ có vô tư ra khỏi rừng?
Nguồn: Báo Nhân dân
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn