Đóng cửa tất cả thị trường buôn bán ngà voi
4:06 CH,17/10/2016
Hội nghị các nước thành viên CITES (CoP17) đang diễn ra tại Nam Phi đã thống nhất từ chối các đề xuất bán ngà voi của bốn quốc gia miền Nam châu Phi nhằm ổn định hoặc tăng quần thể voi. Ngược lại, một số biện pháp bảo tồn khác đã được thông qua.

Lần đầu tiên, 182 nước thành viên CITES đã thông qua quyết định chấm dứt thị trường ngà voi hợp pháp ở các quốc gia. Đặc biệt, các nước thành viên CITES cũng thông qua phán quyết bán một lần đối với kho ngà voi (có nguồn gốc từ chết tự nhiên) và sử dụng các biện pháp chặt chẽ đối với các quốc gia không kiểm soát được nạn săn bắn voi lấy ngà.
Hơn 140.000 cá thể voi đồng cỏ châu Phi đã bị giết hại để lấy ngà trong giai đoạn 2007-2014, làm suy giảm 1/3 quần thể và cứ 15 phút lại có một cá thể voi bị giết. Giá ngà voi đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2009 khiến các chuyên gia bảo tồn lo ngại về sự tồn tại của loài thú lớn nhất hành tinh.
Cuộc chiến khốc liệt để bảo vệ voi đã chia rẽ các nước châu Phi. Namibia, Nam Phi và Zimbabwe, các nước chiếm khoảng 1/3 quần thể voi châu Phi, đang sở hữu những quần thể ổn định hoặc tăng trưởng. Các nước này cho rằng voi đang chịu áp lực từ mất sinh cảnh và nông dân giết hại và do đó, chỉ có thể bảo vệ voi thông qua việc bán ngà voi và tổ chức săn bắn chiến lợi phẩm.
Tuy nhiên, nhóm 29 nước châu Phi (sở hữu khoảng 40% số lượng voi châu Phi) với đại diện là Kenya và Benin, đang sở hữu những quần thể nhỏ hơn hoặc suy giảm, đã xác định nạn săn bắn và buôn bán bất hợp pháp ngà voi là những mối đe dọa lớn nhất đối với voi.
Phần lớn quần thể voi châu Phi đều được bảo vệ quốc tế ở mức cao nhất: thuộc Phụ lục I CITES, nghiêm cấm buôn bán. Nhưng quần thể voi châu Phi ở Namibia, Nam Phi, Zimbabwe và Botswana lại thuộc Phụ lục II, mức bảo vệ thấp hơn. Ngày 3-10, đề xuất đưa quần thể voi châu Phi ở Namibia, Nam Phi, Zimbabwe và Botswana lên Phụ lục I đã không được CoP17 thông qua.
Liên hiệp châu Âu với 28 phiếu là quyền lực mạnh nhất CITES, cũng bỏ phiếu phản đối việc đưa tất cả quần thể voi vào Phụ lục I. EU cho rằng các quy định của CITES là bảo vệ các quần thể đang bị suy giảm và không áp dụng đối với quần thể ở Namibia, Nam Phi, Zimbabwe và Botswana.
Một số nhà khoa học và các tổ chức bảo tồn gồm WWF, Traffic và Hiệp hội vườn thú Luân Đôn, cũng thống nhất với quan điểm trên.
Đoàn đại biểu EU cho biết: “Đề xuất không đáp ứng các tiêu chí sinh học nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta không lo lắng về sự suy giảm quần thể voi ở châu Phi”. Một số quốc gia cho rằng giảm cầu ngà voi thông qua giáo dục và thực thi luật là những biện pháp chủ đạo.
Vào đầu giờ sáng 3-10, Namibia và Zimbabwe tiếp tục đề nghị được buôn bán hợp pháp ngà voi. Cả đề xuất của Namibia và Zimbabwe (được Nhật Bản ủng hộ nhưng bị EU và Hoa Kỳ phản đối) đã bị bác bỏ.
Kelvin Alie, đại diện Tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật, cho rằng thất bại trong việc đưa các quần thể voi vào Phụ lục I là thảm họa: “Tại thời điểm hiện tại, khi chúng ta tận mắt chứng kiến mức độ gia tăng của săn bắn voi bất hợp pháp thì cũng là lúc chúng ta phải hành động và nói không với nạn này”.
Nguồn: Báo Nhân dân
Bản quyền thuộc Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Địa chỉ trụ sở chính: 24 Lý Thường Kiệt - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội.
Tel: (84-04) 38249874 - 39342945 | Fax: (08-04) 38249874 | Email: techmart@vista.gov.vn